Có tình trạng đề xuất khởi công công trình mới nhưng để công trình cũ ì ạch

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, nhận xét có tình trạng tiếp tục đề xuất chủ trương khởi công nhiều công trình mới nhưng chưa quyết liệt xử lý các tồn tại, dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài và hiệu quả chưa cao.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 4-6, đoàn giám sát của HĐND TPHCM do đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, làm trưởng đoàn tổ chức giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP đối với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP).

Gần 1/3 đời người chưa xong một cây cầu

Tại buổi giám sát, đại biểu (ĐB) Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, khẳng định nhiều dự án giao thông chưa đạt tiến độ. Nhiều dự án khởi công cách đây 4-5 năm nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành. Dự án chậm trễ có nguyên do khách quan, nhưng có nguyên nhân chủ quan là sự phối hợp giữa các đơn vị chưa tốt. Cùng với đó là năng lực của đơn vị tư vấn, thậm chí của chủ đầu tư còn hạn chế.

Chia sẻ thêm, ĐB Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho hay qua kiểm tra thực tế ở công trường cho thấy khó đảm bảo được tiến độ. ĐB Cao Thanh Bình cũng bày tỏ bức bức xúc về tình trạng một hộ dân bị giải tỏa 2-3 lần để thực hiện nhiều dự án giao thông và đề nghị xem đây là kinh nghiệm cần tránh, để người dân được an cư lạc nghiệp.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP cho rằng, nút thắt lớn với các dự án giao thông là công tác giải phóng mặt bằng. Song, sự chậm trễ của các dự án giao thông còn do việc triển khai thực hiện chưa đồng bộ, như ở dự án cầu Bưng dẫn đến chậm trễ 3 năm qua.

Cùng đề cập đến dự án cầu Bưng, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ bày tỏ bức xúc và cho biết, người dân ở phía quận Bình Tân sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho dự án nhưng phía quận Tân Phú vẫn vướng mặt bằng của 2 doanh nghiệp, dù phần đất giải tỏa là hàng rào, là sân.

Theo đồng chí, dự án cầu Bưng chậm trễ là có sự đùn đẩy trách nhiệm và điều này gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân, cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Đặc biệt, đề cập đến dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), đồng chí Nguyễn Thị Lệ khẳng định, người dân bị ảnh hưởng đồng tình bàn giao mặt bằng, nhưng địa phương không có nền bố trí tái định cư cho họ.

“Khi báo chí phỏng vấn một cụ bà gần công trình, cụ nói rằng, chỉ mong sống cho đến ngày cây cầu xong”, giọng chùng xuống, đồng chí Nguyễn Thị Lệ kể lại và bày tỏ nỗi xót xa trước sự trông chờ, kỳ vọng của người dân về một công trình không quá quy mô nhưng kéo dài gần 1/3 cuộc đời một con người.

Chia sẻ với các vướng mắc mà TCIP gặp phải như về mặt bằng, nhưng Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lê phân tích, nếu từ đầu có đánh giá tính khả thi cũng như sự tác động khi thực hiện dự án đến người dân thì sẽ lường trước những khó khăn, từ đó sẽ chủ động có giải pháp xử lý.

“Ai đâu dự án triển khai đã 20 năm rồi, bây giờ vướng vì không có nền bố trí tái định cư cho người dân”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ bức xúc.

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ ghi nhận nỗ lực của TCIP trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua giám sát, HĐND TP nhận thấy có nhiều dự án giao thông chậm tiến độ.

Hiện TCIP đang quản lý 252 dự án từ nhiều nguồn vốn khác nhau, đồng thời có dự kiến đề xuất 8 dự án giao thông trọng điểm có tổng vốn đầu tư lên đến 33.000 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ đánh giá, về tổng thể các dự án TCIP đang quản lý thì tiến độ chưa đạt yêu cầu, mà điển hình là dự án cầu Long Kiểng kéo dài đã 20 năm. 

“TCIP chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này như thế nào?”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đặt vấn đề, đồng thời nêu rõ tình trạng tiếp tục đề xuất chủ trương khởi công nhiều công trình mới nhưng chưa quyết liệt xử lý các tồn tại, dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài và hiệu quả chưa cao. 

Đồng tình, dự án giao thông chậm hoàn thành có nguyên nhân chủ quan, khách quan, song, đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhận xét, sự chậm trễ gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ làm ảnh hưởng đến tình hình giao thông mà còn tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân và gây ô nhiễm môi trường.

Từ đó, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị TCIP cập nhập rõ tiến độ, lộ trình thực hiện các dự án đang thực hiện và cũng cần nỗ lực tập trung thi đua, hoàn thành các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Đồng chí kỳ vọng TCIP chủ động khắc phục những nguyên nhân chủ quan của đơn vị, đồng thời kiến nghị và quyết liệt đeo bám kết quả giải quyết, góp phần tháo gỡ vướng mắc, sớm đưa dự án vào khai thác.

Có tình trạng đề xuất khởi công công trình mới nhưng để công trình cũ ì ạch ảnh 1 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí nhấn mạnh, dự án chậm trễ còn làm ảnh hưởng quyền lợi của nhà đầu tư và có khả năng phát sinh khiếu kiện, dẫn đến ảnh hưởng chủ trương xã hội hóa của TP. Do đó, TCIP cần chủ động khắc phục những hạn chế mang tính chủ quan, trong đó cần làm rõ trách nhiệm và có giải pháp đối với từng dự án cụ thể để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.

Cùng với đó, TCIP cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc để giải quyết dứt điểm các dự án kéo dài nhiều năm; tránh tình trạng đầu tư thiếu trọng điểm, đầu tư dàn trải nhiều dự án. Đối với các dự án dự kiến chuẩn bị trình HĐND TPHCM, đồng chí yêu cầu TCIP cần phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, chặt chẽ về tính pháp lý, cũng như đảm bảo thời gian trình theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt bằng - nút thắt lớn

Trước đó, báo cáo với đoàn, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP thông tin, tỷ lệ giải ngân vốn cho các dự án giao thông do đơn vị quản lý đạt 98,4% trên tổng vốn kế hoạch. Năm 2020, TCIP đặt mục tiêu huy động tổng hợp các nguồn lực để triển khai thành công, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn hiệu quả đưa vào phục vụ người dân TPHCM.

Đơn vị xác định 7 nhóm công trình, dự án chính, trong đó có các dự án, công trình góp phần giải quyết ùn tắc giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), khu vực cảng Cát Lái (quận 2); nhóm các công trình khép kín vành đai 2, xây vành đai 3, các đường cao tốc… Năm 2020, TCIP cũng đặt chỉ tiêu tổ chức thi công 59 dự án, trong đó phấn đấu hoàn thành 32 dự án và tỷ lệ giải ngân đạt 95% tổng vốn được giao (hơn 4.880 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến ngày 3-6, TCIP chỉ mới giải ngân được hơn 21%.

Có tình trạng đề xuất khởi công công trình mới nhưng để công trình cũ ì ạch ảnh 2 Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo ông Lương Minh Phúc, các dự án hạ tầng giao thông chậm trễ do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần do chủ đầu tư cũng như sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, trong 75 dự án TCIP đang thực hiện có 43 dự án (chiếm 57%) gặp vướng mặt bằng. Trong số này có 8 dự án đã dừng thi công từ 2-3 năm qua, vì không có mặt bằng để thi công.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân và hiệu quả dự án, ông Lương Minh Phúc cam kết nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của chủ đầu tư. Cùng với đó, TCIP cũng kiến nghị nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, trong đó người đứng đầu địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án giao thông.

Theo ông Lương Minh Phúc, những chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ, khối lượng giải ngân vốn cho dự án. Có dự án, thời gian giải phóng mặt bằng có khi gấp 2, gấp 3 lần thời gian thi công dự án.

“Tiến độ giải ngân phải được kiểm điểm song song với tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng”, ông Lương Minh Phúc bày tỏ và kiến nghị HĐND TP duy trì công tác giám sát, nhằm góp phần tháo gỡ vướng mắc này.

Tại buổi làm việc, ông Lương Minh Phúc khẳng định đang hoàn tất thủ tục tham mưu UBND TPHCM trình 8 dự án giao thông quan trọng (có tổng mức đầu tư khoảng 33.100 tỷ đồng) để HĐND TP xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp giữa năm 2020.

Các dự án này gồm:

- Cao tốc TPHCM - Mộc Bài dài 55km quy mô 4-6 làn xe

- Cầu đường Nguyễn Khoái nối các quận 1, 4 và 7.

- Nút giao An Phú (quận 2)

- Mở rộng quốc lộ 50

- Nâng cấp quốc lộ 22

- Xây hai cầu trên đường N2 và N4 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

- Hai dự án khép kín đường vành đai 2, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (quận 9 và quận Thủ Đức) và đoạn từ nút giao Bình Thái đến Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức).

Tin cùng chuyên mục