Có tình huống phát sinh, phải lấy quyền lợi của thí sinh để giải quyết

Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu kép: tổ chức kỳ thi an toàn trong phòng, chống dịch và đảm bảo kỳ thi diễn ra một cách nghiêm túc, an toàn, có chất lượng, đúng quy chế
Buổi kiểm tra trực tuyến công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021
Buổi kiểm tra trực tuyến công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

Chiều mai 6-7, gần 1 triệu thí sinh trong cả nước sẽ làm thủ tục dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, do đó công tác chuẩn bị của Bộ GD-ĐT và các địa phương hết sức thận trọng.

Ngày 5-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã chủ trì buổi kiểm tra trực tuyến công tác chuẩn bị tại các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế.

Tại Thanh Hóa, báo cáo tại buổi kiểm tra, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hoá cho biết, toàn tỉnh có hơn 38.500 thí sinh đăng ký dự thi tại 75 điểm thi, với trên 1.700 phòng thi. Tỉnh đã điều động khoảng 6.500 người tham gia công tác coi thi. Đến thời điểm này, tất cả các điểm thi đều đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, địa hình an toàn, ít bị ảnh hưởng, tác động khi gặp sự cố về thiên tai bão lụt. Tại mỗi điểm thi đều bố trí từ 1 đến 2 phòng thi dự phòng, đảm bảo các điều kiện về bàn ghế, quạt mát, ánh sáng… như các phòng thi chính thức.

Bên cạnh đó, các điểm thi đã phối hợp với cơ quan y tế địa phương, phun khử khuẩn toàn bộ khu vực tổ chức thi, chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, các dụng cụ, máy đo thân nhiệt đảm bảo đáp ứng với số lượng thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tại điểm thi; đồng thời xây dựng phương án để hướng dẫn thí sinh thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho hay, toàn tỉnh bố trí 35 điểm thi; mỗi điểm thi bố trí từ 1 đến 2 phòng thi dự phòng để sử dụng khi có thí sinh là F1 hoặc các trường hợp nghi mắc Covid-19 trong thời gian thi; 1 phòng để cách ly tạm thời khi có thí sinh phát hiện là F1 hoặc các trường hợp nghi mắc trong thời gian thi, 1 phòng lưu giữ thí sinh vi phạm quy chế. Mỗi điểm thi bố trí thêm 1 điểm thi dự phòng để sử dụng khi cần thiết.
Ngoài ra, công an tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT xây dựng phương án bảo vệ kỳ thi; đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông trong suốt thời gian diễn ra các kỳ thi; đặc biệt là công tác bảo mật đề thi, vận chuyển bài thi, coi thi, chấm thi…
Tại tỉnh Nghệ An, Ban in sao đề thi gồm 55 cán bộ, giáo viên, nhân viên, bắt đầu làm việc từ ngày 26-7. Các thành viên tham gia làm đề thi được cách ly triệt để với bên ngoài. Người làm việc trong khu vực cách ly đeo phù hiệu và chỉ hoạt động trong phạm vi cho phép, chỉ được ra khỏi khu vực cách ly sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi…

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, kỳ thi năm nay diễn ra trong điều kiện có dịch diễn biến rất phức tạp. Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu kép: tổ chức kỳ thi an toàn trong phòng chống dịch và đảm bảo kỳ thi diễn ra một cách nghiêm túc, an toàn, có chất lượng, đúng quy chế.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương công tác tổ chức thi cần thực hiện đúng quy trình, không lơ là, chủ quan; không sáng tạo trong quá trình làm việc, cần làm đúng và bám sát quy chế. Chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh nhằm thực hiện mục tiêu an toàn khi tổ chức kỳ thi.

Có tình huống phát sinh, phải lấy quyền lợi của thí sinh để giải quyết ảnh 1 "Bất kỳ có tình huống phát sinh nào đều lấy quyền lợi của thí sinh để giải quyết", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nêu rõ

“Các địa phương cần làm tốt công tác rà soát đối tượng F0, F1, F2 và những thí sinh nằm trong vùng giãn cách xã hội. Nếu các hội đồng thi tổ chức cho những thí sinh thuộc diện F1, F2 thi đợt 1, phải trên cơ sở các em làm đơn xin tham dự thi đợt 1 và phải đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch. Với những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, cần có phương án hỗ trợ để không thí sinh nào phải bỏ thi vì điều kiện kinh tế hoặc giao thông khó khăn”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Đồng thời, việc lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia phục vụ kỳ thi phải đúng tiêu chuẩn; cán bộ coi thi cần nắm chắc quy chế. Các điểm thi bố trí phòng thi đủ điều kiện về phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an ninh trật tự, tránh tình trạng lộ, lọt đề thi. Mỗi điểm thi cần bố trí phòng chờ, phòng thi dự đúng tiêu chuẩn. Những phòng không sử dụng cần tiến hành niêm phong theo quy định. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra tại các điểm thi, đồng thời có phương án phòng chống mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất, giao thông bị chia cắt.

"Bất kỳ có tình huống phát sinh nào đều lấy quyền lợi của thí sinh để giải quyết", Thứ trưởng nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục