Cổ thụ ở Công viên Văn Lang chết dần

Cách đây hơn 2 năm, Công viên Văn Lang được bê tông hóa làm quảng trường, sân khấu nhạc nước, thành điểm sinh hoạt văn hóa thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt, tập thể dục, vui chơi, giải trí… Tuy nhiên, hơn 2 tháng nay, một số cây dầu cổ thụ ở đây bỗng nhiên bị rụng lá và có dấu hiệu chết dần. 

Năm 2017, khi UBND quận 5 cho thi công bê tông hóa Công viên Văn Lang, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến của người dân tỏ ý lo ngại việc nguồn nước ngầm khu vực này sẽ khó được bổ sung, ảnh hưởng sinh thái cho các cây cổ thụ duy trì sự sống. Phải chăng điều này đang diễn ra? 

Cổ thụ ở Công viên Văn Lang chết dần ảnh 1 Các cây dầu ở cổng vào Công viên Văn Lang bị tỉa cành, mé nhánh do bị xuống lá  
Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, ông Lê Xuân Phúc (57 tuổi, nhà ở đường Ngô Gia Tự) cho biết: “Tôi thường xuyên đến đây tập thể dục. Việc bê tông hóa công viên đã tạo cảnh quan sạch sẽ, môi trường trong lành, các tệ nạn ở đây đã không còn. Tuy nhiên, việc bê tông hóa công viên đã ít nhiều ảnh hưởng đến cây xanh, do nước mưa không xuống được lòng đất, mạch nước ngầm cạn. Các cây cổ thụ không được phát triển tự nhiên đã cằn khô, rụng lá. Nhìn lá rụng và cành nhánh cây khô chất đống trên lối đi, tôi thực sự đau xót”.

Sáng 9-7, chúng tôi đã trở lại Công viên Văn Lang. Trong cái nắng gay gắt, đập vào mắt chúng tôi là 5 cây dầu cổ thụ (được đánh số 3, 4, 5, 6, 7) ngay lối vào công viên phía bên đường Hùng Vương bị tỉa cành, trụi lá. Ở khu vực cuối công viên phía đường Ngô Quyền cũng có 2 cây trong tình trạng tương tự. Còn tại khu vực trung tâm công viên, các cây được đánh số 20, 23, 26 dù không bị tỉa cành nhưng cành khẳng khiu và lá khô lủng lẳng. Hơn 30 cây còn lại vẫn phát triển bình thường, tươi tốt. Thực tế, mặt bê tông không phủ hết công viên mà dưới các gốc cây còn chừa lại bồn đất có đường kính hơn 3m.

Gần 10 giờ, chúng tôi gặp 2 nhân viên Đội chăm sóc công viên thuộc Công ty Dịch vụ công ích quận 5 đang tưới cây. Sau khi tưới giáp vòng cây xanh, các nhân viên đã pha chế thuốc để tưới riêng cho các cây dầu đang bị rụng lá. Lúc này, chúng tôi mới phát hiện tại gốc các cây bị trơ cành có 2 ống nước lớn ở 2 bên và có nắp đậy. Sau khi pha chế thuốc xong, các nhân viên cẩn trọng dùng bình tưới đổ thuốc vào các ống nước và đậy nắp lại. Đó là chế phẩm vi sinh xử lý phế thải hữu cơ EMUNIV của Công ty cổ phần Vi sinh ứng dụng. Thuốc có nhiều công dụng, trong đó làm phân giải nhanh rác, phế thải nông nghiệp làm phân bón hữu cơ vi sinh; diệt mầm bệnh… 

Chúng tôi đã liên hệ với anh Văn Chúng, Tổ trưởng Tổ chăm sóc, quản lý cây xanh. Anh Chúng cho biết: “Cây xanh tại Công viên Văn Lang là các loại cây dầu loại 3, lim xẹt loại 2. Các cây cổ thụ có tuổi đời khá cao. Vừa qua, một số cây dầu có dấu hiệu già cỗi, phát triển chậm, xuống lá. Chúng tôi đã thường xuyên theo dõi và tiếp tục chăm sóc đặc biệt. Một số cây ở 2 đầu công viên đã được tỉa nhánh khô, mé nhánh, khống chế chiều cao để hạn chế tình trạng gãy đổ vào mùa mưa. Trước thực trạng như vậy, UBND quận 5 đã có nhiều buổi làm việc với các cơ quan hữu quan để tìm giải pháp khắc phục, cứu cây… Trước mắt, chúng tôi đã mở rộng các bồn cây và tăng cường tưới nước, kích rễ. Thuốc kích rễ được các thầy ở Trường Đại học Nông Lâm TPHCM hướng dẫn thực hiện. Đến nay, một số cây đã có dấu hiệu phát triển ổn định”.

Hy vọng với các giải pháp và cách làm khẩn trương, các cây dầu ở Công viên Văn Lang sẽ hồi sinh tốt. Tuy nhiên, đối với một số cây có dấu hiệu khó khắc phục, chính quyền địa phương cần theo dõi sát sao và có giải pháp cấp bách hơn nữa để tránh gãy đổ trong mùa mưa, đảm bảo an toàn cho người dân.

Tin cùng chuyên mục