Cơ quan tư pháp ở đặc khu có thẩm quyền tới đâu?

Sáng nay 23-5, tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. 

Nhóm vấn đề cơ chế, chính sách đặc biệt về Tòa án đặc khu được các ĐB quan tâm phân tích.

TS Luật, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) tán thành việc dự thảo luật quy định tăng thẩm quyền cho Tòa án đặc khu với các vụ án hình sự.

Theo đó, hầu hết các vụ án đang thuộc thẩm quyền xét xử ở cấp tỉnh hiện nay sẽ chuyển xuống chính quyền đặc khu giải quyết, Tòa án đặc khu có quyền xử tội đến 15 năm tù, quy định như vậy là phù hợp.

Tuy nhiên, với khiếu kiện hành chính (các vụ việc người dân kiện chính quyền) thì dự luật lại quy định như hiện nay, nghĩa là mọi khiếu kiện của người dân với Chủ tịch UBND, HĐND Tòa án đặc khu không có quyền xét xử mà do Toà án tỉnh thụ lý.

Cơ quan tư pháp ở đặc khu có thẩm quyền tới đâu? ảnh 1 TS Luật, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại phiên họp sáng 23-5-2018.
ĐB Nguyễn Thị Thủy cho rằng quy định này chưa phù hợp ở nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, cùng với sự phát triển năng động của đặc khu sẽ phát sinh nhiều khiếu kiện hành chính tăng mạnh về giải phóng mặt bằng, đất đai…

Thực tế, từ năm 2015 đến nay số lượng quyết định hành chính của Chủ tịch UBND, HĐND cấp huyện bị khiếu kiện tới tòa tăng mạnh, như Phú Quốc tới 2 lần, trong khi dự luật chỉ tăng thẩm quyền cho Tòa án đặc khu với dự án dân sự, không tăng thẩm quyền với tòa án hành chính. Điều này dẫn tới thực tế, Tòa án đặc khu có thẩm quyền giải quyết vụ việc liên quan tới bắt giữ máy bay quốc tế - loại vụ việc rất phức tạp, trong khi lại ko có quyền xử lý khiếu kiện hành chính với Chủ tịch UBND, HĐND hành chính đồng cấp với mình.

“Nếu cho rằng việc giao cho toà án khiếu kiện Chủ tịch và UBND cùng cấp có thể ảnh hưởng tới tính vô tư khách quan thì sẽ không giải quyết được việc, pháp luật cũng đang giao cho 63 tòa án cấp tỉnh giải quyết khiếu kiện với Chủ tịch UBND, HĐND cấp tỉnh. Bên cạnh đó, quy định hiện hành chưa tiết kiệm chi phí tối đa đi lại của nhà đầu tư, người dân. Về điều kiện địa lý thì cả 3 đặc khu đều cách xa trung tâm tỉnh, xa nhất là Phú Quốc. Nếu bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án phúc thẩm giải quyết trong khi cả nước chỉ có 3 Tòa án Cấp cao đặt tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, như thế sẽ rất khó khăn cho người dân, nhà đầu tư”, ĐB Nguyễn Thị Thủy phân tích.

Vẫn theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, khác với giải quyết vụ án dân sự có thể ủy quyền cho luật sư tham gia thì Điều 60 Luật Tố tụng hành chính quy định Chủ tịch UBND trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình xử lý vụ án, nếu ủy quyền thì chỉ được ủy quyền cho Phó Chủ tịch.

Hiện quy định này đang được đề xuất sửa đổi vì lý do quá ít người. Nếu lên tỉnh tham gia đầy đủ các phiên tòa sẽ ảnh hưởng tới điều hành ở địa phương, không tham dự đủ tại tòa sẽ ảnh hưởng tới đối thoại, làm tăng bức xúc của người dân…

Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, Quốc hội nên giao cho cơ quan tư pháp ở đặc khu có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện Chủ tịch UBND, HĐND đồng cấp, điều này vừa tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận công lý; vừa tạo điều kiện cho chính quyền đặc khu đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục