Cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 50.000 đơn vị sự nghiệp công lập với khối lượng vốn tài sản nhà nước gần 1 triệu tỷ đồng (tương đương quy mô vốn và tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước), tạo ra hơn 2,5 triệu việc làm cho người lao động, nhưng đến nay số lượng cổ phần hóa đạt rất thấp.

Do vậy, Bộ Tài chính vừa tổ chức Hội thảo “Chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần: Hiện trạng và giải pháp chính sách” nhằm trao đổi, thảo luận, đề xuất xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn, đảm bảo khả thi, toàn diện.

Cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập ảnh 1 Nhiều công ty dịch vụ công ích quận, huyện chất lượng dịch vụ tốt hơn, mức độ hài lòng của người dân nâng cao sau khi cổ phần hóa. Ảnh: CAO THĂNG

Một số lượng khổng lồ đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng thời gian qua hoạt động gần như không hiệu quả, do vậy cần được cổ phần hóa, đưa tư nhân vào để phá tan sức ì lâu nay. Như nhận định của Cục Tài chính doanh nghiệp, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn cồng kềnh, manh mún; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng hiệu quả dịch vụ thấp. Trong khi chi tiêu ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp quá lớn. Mặc dù đã có chủ trương xã hội hóa từ lâu, nhưng việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức, hoạt động xã hội hóa còn chậm.

Theo đánh giá về tình hình chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần thì đến cuối năm 2018, đã trình Thủ tướng Chính phủ danh mục 338 đơn vị sự nghiệp công lập tiến hành cổ phần hóa, nhưng chỉ có 213 đơn vị sự nghiệp công lập đã được Thủ tướng phê duyệt đưa vào danh mục và trong đó mới có 38 đơn vị đã được phê duyệt phương án chuyển đổi và đã có 31 đơn vị hoàn thành chuyển đổi.

Mặc dù sau cổ phần hóa, hiệu quả thấy rõ vì các công ty cổ phần đều nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, mức độ hài lòng của người dân ngày càng nâng lên. Dễ thấy nhất là các công ty dịch vụ công ích quận huyện. Theo thống kê sau cổ phần, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị sự nghiệp công lập được nâng cao, tổng tài sản tăng 27%, doanh thu tăng 58%, lợi nhuận năm tăng 52% so với thời điểm mới chuyển đổi. Tốc độ tăng của doanh thu và lợi nhuận gấp 2 lần tốc độ tăng tài sản.

Không những thế, hiệu quả quản trị của doanh nghiệp chuyển đổi cũng được nâng lên. Như thay đổi căn bản về phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy công tác điều hành quản lý sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Phần lớn các doanh nghiệp đều thuận lợi hơn trong việc huy động nguồn lực xã hội, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là nhà đầu tư chỉ hướng đến các đơn vị quản lý đất đai, công trình công cộng có giá trị lớn, ở vùng đô thị nhưng lại ít quan tâm đến các dịch vụ, đầu tư vực dậy ngành nghề hoặc đầu tư vùng sâu vùng xa, nông thôn... Do vậy, cần phải xây dựng chính sách cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập một cách khả thi, toàn diện để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi. 

Được biết, theo danh mục chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần giai đoạn 2017-2020 thì số lượng đơn vị đã chuyển đổi chỉ đạt chưa đầy 15%. Thời gian thực hiện chuyển đổi của nhiều đơn vị chậm hơn lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng. Ở một số địa phương, việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và phương án thực hiện chuyển đổi chưa phù hợp.

Nguyên nhân, do vướng mắc về quy định pháp lý nên cần sớm ban hành chính sách mới để đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Được biết, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần nhằm thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg.

Nhiều chuyên gia cũng đề xuất dự thảo nghị định cần quy định rõ đối tượng và điều kiện để đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần; hạch toán kế toán và chuyển đổi báo cáo tài chính trong quá trình chuyển đổi từ mô hình đơn vị sự nghiệp công lập sang doanh nghiệp; xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và thời điểm bàn giao; phân cấp, phân quyền quản lý để đảm bảo nghị định sát thực tiễn, khả thi và toàn diện.

Tin cùng chuyên mục