Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Tài sản nào không tính vào giá trị doanh nghiệp?

Việc xác định tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa, đặc biệt là đất đai, quyền thuê đất nhà nước… luôn là những vấn đề nóng. Vì lo thất thoát và chịu trách nhiệm nên điều này đã làm chậm tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua. Mới đây, Quốc hội đã bàn về vấn đề này để có quy định chính xác những loại tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Trạm cấp nước sạch phục vụ nông thôn, một tài sản được yêu cầu hướng dẫn xác định cụ thể giá trị. Ảnh: THÀNH TRÍ
Trạm cấp nước sạch phục vụ nông thôn, một tài sản được yêu cầu hướng dẫn xác định cụ thể giá trị. Ảnh: THÀNH TRÍ

Kiến nghị hướng dẫn

Rất nhiều ý kiến ở các địa phương kiến nghị hướng dẫn xác định cụ thể giá trị một số loại tài sản (nhà máy chế biến rác thải, công trình nước sạch phục vụ nông thôn và các tài sản được hưởng chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư của nhà nước) tại các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả khi cổ phần hóa và thoái vốn thì xác định như thế nào cho đúng? Bộ Tài chính giải thích, việc xác định tài sản khi tính giá trị doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được quy định tại Điều 14 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần quy định cụ thể tài sản không được phép loại trừ và tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa.

Cụ thể, đối với tài sản do doanh nghiệp cổ phần hóa thuê, mượn, nhận góp vốn liên doanh, liên kết và các tài sản không phải của doanh nghiệp thì không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Những tài sản khác đã được hình thành từ tiền vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ được giao làm chủ đầu tư, nhưng không được giao quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng kỹ thuật thì không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.

Những tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm chủ động xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành về thanh lý, nhượng bán tài sản. Đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp các tài sản chưa được xử lý, doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện chuyển giao cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam để xử lý theo quy định của pháp luật. Giá trị còn lại theo sổ sách của các tài sản này phải hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ.

Phải công khai, minh bạch

Đối với hoạt động chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cũng được quy định cụ thể trong Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo đó, việc chuyển nhượng vốn nhà nước phải theo danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển nhượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp theo giai đoạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành, không phân biệt mức vốn đầu tư, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước lãi hay lỗ.

Việc chuyển nhượng vốn nhà nước phải bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước đầu tư ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong chuyển nhượng vốn. Còn việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc cơ quan chức năng được cơ quan đại diện chủ sở hữu ủy quyền, giao nhiệm vụ bằng văn bản lựa chọn và ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá và phải xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư.

Tin cùng chuyên mục