Cổ phần hóa DNNN tại TPHCM: Nhiều vướng mắc, chờ hướng dẫn

Sáng 23-6, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp và Ban Đổi mới Quản lý DN TPHCM đã tổ chức hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”.
“Hậu” cổ phần hóa vẫn vướng

Hội thảo đã bàn nhiều giải pháp để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước; cơ chế kiểm soát nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (DN); thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị DN một cách thực chất… Qua đây, các DN cũng chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN sau cổ phần hóa.

Theo ông Lê Trọng Sang, Trưởng ban quản lý đổi mới doanh nghiệp TP, hiện nay “hậu” cổ phần hóa có nhiều vướng mắc. Trong số 32 DN đã cổ phần hóa giai đoạn 2013 - 2015, đến nay, chỉ có 4 DN đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán; 28 DN còn lại gặp nhiều khó khăn. Dù khi cổ phần hóa các DN này, Nhà nước đã tăng hơn 2.000 tỷ đồng vốn huy động, nhưng giờ doanh thu của các DN sau cổ phần hóa lại giảm 1,5% so với trước cổ phần hóa, chỉ 30% DN đã cổ phần hóa có lãi để nộp ngân sách; số lượng lao động giảm gần 15% so với trước cổ phần hóa... Nguyên nhân, do giá thuê đất theo quy định mới tăng 12% - 15% nên lợi nhuận sau thuế giảm. Mục tiêu của cổ phần hóa là giúp DN cơ cấu lại để phát triển, nhưng có nhiều DN không phát triển như kỳ vọng, vì công tác quản trị DN gần như không thay đổi ở các DN mà Nhà nước nắm giữ trên 51% vốn. 

Hiện nay, TPHCM còn hơn 40 DN (công ty, tổng công ty) phải cổ phần hóa, trong đó 39 đơn vị cổ phần với tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ dưới 50% và 3 DN trên 51%. Ngoài ra, còn 22 công ty công ích quận huyện và 4 DN cấp nước, cây xanh, đô thị… gặp nhiều vướng mắc, chờ cơ chế chính sách. Trong đó, việc xác định giá trị DN khó khăn nhất và theo ông Sang là phải thuê tư vấn quốc tế xác định giá trị DN mới giải quyết được vấn đề hiện nay. 

Về thoái vốn, đến năm 2016, Nhà nước đã thoái vốn 2.500 tỷ đồng và thu về số tiền 3.500 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với giá trị sổ sách. Năm 2017, TP sẽ tiếp tục thoái vốn ở 10 công ty để tập trung kinh doanh ngành nghề chính, dùng tiền bổ sung vốn cho các dự án cấp bách; tập trung nguồn vốn cho nghiên cứu phát triển, đổi mới quản trị, khoa học công nghệ. Hiện nay còn khoảng 2.400 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành (ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm…) cần được thoái vốn. Kế hoạch đến cuối năm 2018, TP phải hoàn thành cổ phần hóa 51 DN, theo đó TP sẽ nghiên cứu hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát, vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại DN nhằm tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước. 

Định giá cao, bán giá thấp

Theo các đại biểu, vấn đề khó nhất hiện nay trong công tác cổ phần hóa là việc xử lý mặt bằng bất động sản ở các liên doanh. Pháp lý về xác định giá trị DN đối với dự án liên doanh chưa có; giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế đất đai khi xác định giá trị DN chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể. Thậm chí, đến giờ vẫn chưa có định lượng trong xác định lợi thế đất đai. Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược khi đầu tư chỉ quan tâm đến tài sản DN, nhà xưởng, đất đai chứ ít quan tâm đến chiến lược phát triển DN. Ngược lại, khi Nhà nước bán cổ phần với tỷ lệ thấp thì không khuyến khích nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần. Hầu hết các nhà đầu tư muốn thu gom cổ phiếu để nắm quyền quản lý nhằm thay đổi hoàn toàn cơ chế cũ. 

Ông Huỳnh An Trung, Tổng Giám đốc Cholimex, cho rằng, khó khăn hiện nay của DN là liên quan đến xác định lợi thế kinh doanh, thẩm định giá trị quyền sử dụng đất. Ông Trung nêu cụ thể, Cholimex chỉ xác định giá trị một tài sản đất mà tốn hơn 6 tháng. Một bất hợp lý nữa trong định giá lại giá trị DN chính là định giá càng cao thì càng khó bán. Ông Trung dẫn chứng, một công ty con của Cholimex định giá lại tăng gấp 4 lần nên khó hấp dẫn nhà đầu tư khi IPO lần đầu, vì định giá càng cao thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn sẽ giảm tương ứng. Khi xác định giá trị DN cao thì sẽ bán giá thấp, do vậy, nên xác định vừa phải để dễ bán và bán được giá cao. Ngoài ra, trong phương án cổ phần hóa thường lo lắng thu nhập người lao động sau cổ phần hóa, thế nhưng, nếu giải quyết lao động dôi dư trước cổ phần hóa sẽ có lợi cho người lao động hơn. 

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị TP, cho rằng, cổ phần hóa cũng là lúc để DN rà soát các mặt bằng, sử dụng đúng mục đích, đo vẽ lại nhà đất, xác định công nợ, kiểm kê tài sản… để định giá DN. Tuy nhiên, vướng mắc nhất vẫn là đất đai, một số mặt bằng do DNNN quản lý nhưng không có giấy tờ pháp lý rõ ràng nên không xác định được giá trị để cổ phần hóa. 

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, việc đẩy nhanh công tác cổ phần hóa thì ngoài đòi hỏi về quy định pháp lý đầy đủ, còn có yếu tố cản trở bởi con người. Do vậy, mới đây Chính phủ đã có quy định xác định trách nhiệm người đứng đầu nếu làm chậm công tác cổ phần hóa. Kết thúc hội thảo, bà Lê Thị Hồng Hậu, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TP, đề nghị cần tập trung công tác cán bộ, chỉ đạo các cán bộ, đoàn thể tham gia công tác cổ phần hóa, đồng thời, chú ý việc chăm lo tốt các chính sách cho người lao động khi cổ phần hóa.

Tin cùng chuyên mục