Có những hạn chế nhất định với quyền sở hữu biển xe ô tô trúng đấu giá

Người trúng đấu giá được giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe gắn với biển số trúng đấu giá; nhưng người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.

Chiều 22-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về vấn đề này nhận định, việc đấu giá biển số ô tô là chính sách mới, có nhiều đặc thù, khác với quy định của một số luật hiện hành nên việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về thẩm quyền, hình thức văn bản.

Sao không đấu giá biển màu vàng?

Về phạm vi thí điểm, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề xuất của Chính phủ, thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vì vấn đề này đã chín, đã rõ và đạt sự đồng thuận cao. Việc thí điểm vừa giúp khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của một bộ phận người dân; vừa là cơ sở để đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan.

Tờ trình của Chính phủ đề xuất 5 chính sách để thí điểm thực hiện cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Ủy ban Pháp luật đã nêu rõ ý kiến về từng chính sách cụ thể.

Có những hạn chế nhất định với quyền sở hữu biển xe ô tô trúng đấu giá ảnh 1 Quang cảnh phiên họp UBTVQH chiều 22-9
Trong đó, về quy định “biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký”, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc đưa ra đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng, chữ và số màu đen trong kho số đăng ký cho xe ô tô chưa được đăng ký; không đưa đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ làm rõ lý do không đưa biển số ô tô nền màu vàng (dùng cho xe hoạt động kinh doanh vận tải) vào đấu giá, vì hiện nay số xe này, bao gồm cả xe “taxi công nghệ” (vừa là xe kinh doanh, vừa là xe cá nhân) là rất lớn; thực tế, nhiều chủ xe có nhu cầu được lựa chọn biển số cho phương tiện của mình. Có ý kiến đề nghị đưa ra đấu giá cả biển số mô tô vì nhu cầu chọn biển số “đẹp” của những chủ xe này trong thực tế cũng rất lớn. Tuy nhiên, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị chưa nên mở rộng phạm vi thí điểm đấu giá đối với biển số mô tô vì chưa đánh giá đầy đủ mức độ tác động trong trường hợp chấm dứt thí điểm.

Giá khởi điểm đấu giá thấp nhất là 40 triệu đồng tại Hà Nội và TPHCM

Về chính sách 2 (xác định giá khởi điểm của 1 biển số xe đưa ra đấu giá là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số), đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc xác định giá khởi điểm của 1 biển số xe đưa ra đấu giá là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá. Cụ thể, giá khởi điểm thấp nhất đối với vùng 1 (gồm Hà Nội, TPHCM) là 40 triệu đồng (gấp 2 lần lệ phí đăng ký); đối với vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng (gấp 20 lần lệ phí đăng ký). Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về số tiền đặt trước để tham gia đấu giá, bảo đảm vừa thống nhất với quy trình chung về đấu giá tài sản nhưng cũng vừa hạn chế được việc bỏ cọc của người trúng đấu giá.

Một người đăng ký tham gia cũng được chấp nhận

Về đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá, điều 59 của Luật Đấu giá tài sản quy định: việc đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá không áp dụng đối với tài sản Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Tuy nhiên, đối với việc thí điểm đấu giá cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô, Tờ trình của Chính phủ đề xuất quy định việc đấu giá vẫn được thực hiện trong trường hợp chỉ có một người duy nhất đăng ký, tham gia đấu giá, trả giá và chấp nhận giá, vì không chỉ đối với biển số “đẹp” mà cả đối với các biển số trùng với ngày sinh, năm sinh, ngày kỷ niệm... cũng được nhiều người mong muốn sở hữu theo sở thích cá nhân. Việc cho phép đấu giá trong trường hợp này đáp ứng được nhu cầu của người dân, đồng thời cũng là để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc đấu giá biển xe ô tô đối với trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá.

Quyền sở hữu đối với biển số ô tô trúng đấu giá

Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ; theo đó sau khi hết thời hạn thí điểm, các nội dung của quyền sở hữu đối với biển số ô tô trúng đấu giá được quy định hạn chế hơn so với nội hàm của quyền sở hữu tại điều 158 của Bộ luật Dân sự. Người trúng đấu giá biển số ô tô được giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe gắn với biển số trúng đấu giá nhưng người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.

Nguồn thu phân chia 70:30

Về sử dụng nguồn thu từ đấu giá, Chính phủ đề nghị “số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá tài sản theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương”.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, do đây là Nghị quyết thí điểm nên có thể quy định khác luật; tuy nhiên, đề nghị cơ quan trình lý giải rõ hơn sự cần thiết, mục đích của việc phân bổ cho ngân sách địa phương 30% số thu từ đấu giá biển số, bởi việc cấp quyền sử dụng và thống nhất quản lý kho số thuộc trách nhiệm của Bộ Công an và cơ bản việc đấu giá do các cơ quan thuộc Bộ Công an thực hiện; đồng thời, ngân sách địa phương theo phân cấp đã bố trí kinh phí chi thường xuyên cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội (khoản 2, điều 38 của Luật Ngân sách Nhà nước).

Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với thời gian thí điểm là 3 năm như đề xuất của Chính phủ, đồng thời cho rằng thời gian thí điểm 3 năm là phù hợp để các cơ quan có đủ thời gian triển khai thực hiện, kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá việc thí điểm.

Một số ý kiến đề nghị quy định thời gian thí điểm là 2 năm để kịp thời tổng kết, đánh giá, kiến nghị luật hóa nội dung này đồng bộ với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.

“Có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể việc xử lý trong các trường hợp người trúng đấu giá chưa kịp thực hiện việc đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với phương tiện (trong 12 tháng) mà bị chết; trường hợp phương tiện gắn biển số trúng đấu giá bị tai nạn, hư hỏng không thể sửa chữa được thì quyền sở hữu (của người trúng đấu giá, người được chuyển nhượng xe có gắn biển số trúng đấu giá) đối với biển số trúng đấu giá như thế nào”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Tin cùng chuyên mục