Có những cán bộ chủ chốt nhưng phát ngôn kỳ quặc

Trong buổi thảo luận của Quốc hội hôm nay về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng chưa có giải pháp để đong đếm chất lượng cán bộ, có những cán bộ chủ chốt nhưng phát ngôn kỳ quặc. 
 ĐBQH Lê Thanh Vân 

Ngày 30-10, Quốc hội đã dành trọn 1 ngày để thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.

Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi. Buổi sáng có 22 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, buổi chiều vẫn còn tới 33 ĐBQH đăng ký phát biểu.

Đầu giờ chiều, phần phát biểu của ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) khá thẳng thắn. Ông Lê Thanh Vân nói: "Báo cáo giám sát đã làm khá rõ thực trạng của bộ máy hành chính nhà nước hiện nay. Cần phải chỉ rõ nguyên nhân cũng như giải pháp để thay đổi".
Nói về nguyên nhân, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng đó là do chưa làm tốt việc kiểm soát kiềm lực, bởi phải phối hợp để triển khai mà phối hợp thì xuất hiện thêm các trung gian. Thứ hai là Quốc hội kiểm soát nguồn lực nhưng biên chế lại do Chính phủ kiểm soát, vì thế luôn luôn mâu thuẫn. Thứ ba là chưa có giải pháp để đong đếm chất lượng cán bộ. Có những cán bộ chủ chốt nhưng phát ngôn kỳ quặc, ví dụ như phát ngôn "xây dựng nghĩa trang để phát triển bền vững".
"Xưa chọn quan là chọn những người tinh thông tinh nhuệ, thấu tỏ nhân tâm, nên mới tạo được cảm hứng cho dân, dẫn dắt được nhân dân. Cán bộ phải là gốc rễ vấn đề", ông Lê Thanh Vân nói.  

ĐB này cũng cho rằng, chế độ đãi ngộ cho cán bộ công chức viên chức chưa thỏa đáng.

Hiến kế các giải pháp, ĐB Lê Thanh Vân đề nghị thành lập ban chỉ đạo Trung ương để thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế do Tổng Bí thư đứng đầu, tương tự Ban chỉ đạo về Phòng chống tham nhũng vừa qua đã làm rất tốt.

Bên cạnh đó, ông cho rằng cần phân rõ chức năng của hệ thống hành pháp theo 2 mũi nhọn: hành chính chính trị tập trung vào việc ban hành các thể chế, giải pháp; hành chính công vụ tập trung kiểm soát hành vi tuân thủ pháp luật; hành chính tư pháp để kiểm soát hệ thống hành chính. Ngoài ra, cần chú trọng nhóm giải pháp hoàn thiện chế độ công vụ, tập trung vào thể chế công vụ để làm sao có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể định lượng số cán bộ, chọn ra được đội ngũ cán bộ thực sự xuất sắc. Chức danh bổ nhiệm phải có chương trình hành động trong toàn nhiệm kỳ. Những ai không hoàn thành nhiệm vụ lập tức thay ngay mà không cần hết nhiệm kỳ.

Ông Lê Thanh Vân cũng cho rằng khi ứng dụng CNTT vào vận hành bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc, Chính phủ phải có chương trình hành động để thực hiện.

"Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng như phương thức tổ chức hoạt động của các cơ quan lập pháp, tư pháp, ngay Quốc hội cũng phải thay đổi. Và đặc biệt, phải có tiêu chí để loại bỏ ngay những lãnh đạo, cán bộ không đủ tiêu chuẩn, gian dối bằng cấp. Trước hết, làm mạnh ở đội ngũ cán bộ chủ chốt để tạo chuyển biến cho cả hệ thống", ĐB Lê Thanh Vân phát biểu.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, Nghị quyết nói nhiều về trọng dụng nhân tài nhưng hiện tượng "bổ nhiệm người nhà" lại quá phổ biến, mà trách nhiệm lại không truy rõ, chỉ chung chung.

"Nếu không làm rõ thì sẽ không hạn chế được tình trạng này", ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, cần tách quản lý Nhà nước ra khỏi quản lý doanh nghiệp. "Vừa qua có rất nhiều siêu dự án thua lỗ, cán bộ thì chuyển hết từ quản lý nhà nước về các tập đoàn rồi về Quốc hội. Phải làm rõ cơ chế ở vấn đề này", ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề.

Tin cùng chuyên mục