Có lợi dụng “đặc quyền” về thông tin quy hoạch để trục lợi hay không? ​

Là ĐB đầu tiên nêu chất vấn trực tiếp với Bộ trưởng Xây dựng, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nhận định việc quản lý các đô thị hiện nay có rất nhiều bất cập, như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông gia tăng, đặc biệt vẫn để tồn tại sân golf trong sân bay. 
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lừoi chất vấn tại phiên họp
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lừoi chất vấn tại phiên họp

“Có hay không tình trạng lợi dụng “đặc quyền” về thông tin quy hoạch để trục lợi? Đã có những tổ chức, cá nhân nào bị xử lý?”, ĐB Thuý nêu câu hỏi.

Đây cũng là vấn đề được ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) nêu ra. ĐB Hoà chất vấn: “Liên quan đến thể chế về quy hoạch xây dựng (QHXD) và quy hoạch đô thị (QHĐT), Bộ trưởng nói đủ đáp ứng, nhưng tôi thấy vẫn thiếu, kể cả việc triển khai Luật XD 2014 cũng rất “mờ”, gây khó khăn trong quản lý. Bộ mặt đô thị nhếch nhác. Đặc biệt là trong sân bay lại có sân golf, Bộ trưởng nghĩ thế nào? Tình trạng lãng phí trong quản lý xây dựng, công trình bị đội giá đang là kẽ hở dẫn đến tiêu cực; sẽ được khắc phục như thế nào”?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, ngành xây dựng đã có những quy chuẩn chặt chẽ về vấn đề này, mặc dù công tác xây dựng và triển khai quy hoạch cũng có những hạn chế nhất định.

“Thời kỳ quy hoạch chưa phù hợp, cái ngắn quá, cái dài quá, tính khả thi chưa cao. Sự khớp nối giữa các đô thị chưa tốt; điều kiện thực hiện (nguồn lực, thời gian) chưa đầy đủ, dẫn đến có tình trạng quy hoạch “treo”, người đứng đầu ngành Xây dựng thừa nhận. Về khả năng trục lợi từ thông tin quy hoạch, không loại trừ một số trường hợp cụ thể có lợi ích nhóm trong lập quy hoạch chi tiết. Là cơ quan chịu trách nhiệm về phương pháp luận, tính toán, xây dựng quy hoạch, Bộ Xây dựng sẽ tham mưu để hoàn thiện thể chế theo hướng bảo đảm quy hoạch là công cụ đắc lực quản lý xã hội, chống thất thoát, tiêu cực, lãng phí nguồn lực xã hội; loại bỏ những thủ tục không cần thiết.

“Dư luận rất bức xúc với điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện vì lợi ích nhóm, để khắc phục thì cần tăng cường giám sát của cộng đồng và người dân. Về phía Bộ, chúng tôi sẽ điều chỉnh, bổ sung các quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 121; đồng thời tổ chức lực lượng thanh tra xây dựng tốt hơn”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết. Sau đó, phản hồi ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về tình trạng phát triển ồ ạt các khu đô thị lớn ở cửa ngõ các đô thị lớn gây ùn tắc giao thông và nhiều hệ luỵ khác, Bộ trưởng Xây dựng cho hay đã phối hợp với địa phương thanh tra, xử lý một vài trọng điểm, điển hình như khu đô thị Đại Thanh của Công ty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên tại Hà Nội (chủ thương hiệu Mường Thanh)…

Được ĐB Kim Thuý đề nghị đưa ra cam kết cụ thể, vị Bộ trưởng trần tình: “Cam kết có chấm dứt được không ư? Nói thật là cá nhân tôi dù có trách nhiệm cũng không dám cam kết, vì để giải quyết dứt điểm thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Chính phủ vừa rồi đã giao Bộ kiểm tra một số dự án bất động sản có quy mô sử dụng đất lớn, Bộ sẽ sớm báo cáo Chính phủ, Quốc hội và đề xuất giải pháp cụ thể”.

Trả lời ĐB Nguyễn Thanh Thuỷ về khu dân cư vượt lũ, Bộ trưởng hứa sẽ cùng chính quyền các tỉnh ĐBSCL kiểm tra, khắc phục.

“Chia lửa” với Bộ trưởng Phạm Hồng Hà về bất cập trong quản lý đất đai đô thị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói, theo Luật Đất đai hiện hành, đất đều có chủ quản lý, nếu xảy ra lãng phí, bị lấn chiếm – trong đó tình trạng đất cấp cho quân đội tạm chưa dùng đến giao địa phương quản lý bị vi phạm cũng tương đối phổ biến - thì trách nhiệm trước hết thuộc tổ chức, cá nhân đã được giao đất.

(Sẽ tiếp tục cập nhật)

Tin cùng chuyên mục