Cơ hội từ kinh tế số gia đình

Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là trụ cột của nền kinh tế Malaysia, nhưng hầu hết vẫn thiếu sức cạnh tranh và có dấu hiệu hụt hơi sau đại dịch Covid-19. Để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững hơn, Trung tâm Kinh tế số gia đình của Malaysia chính thức ra đời. 
Malaysia hướng theo kế hoạch phát triển nền kinh tế số
Malaysia hướng theo kế hoạch phát triển nền kinh tế số

Phát biểu tại lễ thành lập Trung tâm Kinh tế số gia đình Malaysia (PEDi) tại khu vực Kampung Durian Tawar, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, năm 2020, Malaysia có gần 1,2 triệu doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 97,2% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong đó, 5 lĩnh vực đóng góp chính vào GDP là dịch vụ, chế tạo, nông nghiệp, xây dựng và khai thác mỏ. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp đang cần được củng cố do bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Mục đích của việc thành lập PEDi là nhằm tạo ra trung tâm một cửa để các doanh nghiệp nhỏ đến gần hơn với nền kinh tế số, mang tới các chương trình khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp hoặc làm gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm họ làm ra. Doanh nghiệp nhỏ có thể sử dụng công cụ trực tuyến và nền tảng thương mại điện tử để mở rộng hoạt động kinh doanh theo hướng tốt hơn. Về dài hạn, khả năng thích ứng với sự phát triển công nghệ và kỹ thuật số của các doanh nghiệp nhỏ sẽ giúp nâng cao hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh doanh.

Mục tiêu của Chính phủ Malaysia là trong quý 1-2022, Malaysia sẽ thành lập thêm 37 PEDi  và thành lập 173 PEDi khác vào cuối năm 2022. Chính phủ dự kiến tới năm 2025, 800.000 doanh nghiệp nhỏ có thể được hưởng lợi từ PEDi. Việc thành lập PEDi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Với các doanh nghiệp, đây là cơ hội để tăng khả năng thích ứng với nền kinh tế số đang có những bước chuyển mình tại Malaysia trong thời gian gần đây.

Theo giới chuyên gia kinh tế, Covid-19 đã thúc đẩy chính phủ, lĩnh vực tư nhân và cộng đồng tăng cường nỗ lực làm chủ công nghệ số. Tuy nhiên, nước này cũng đang phải đối mặt với một số thách thức cần được giải quyết ngay lập tức để giảm khoảng cách về kỹ thuật số. Ví dụ như vấn đề chất lượng, phạm vi phủ sóng băng thông rộng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chưa hoàn thiện và lực lượng lao động hiểu biết về kỹ thuật số chưa đủ để đáp ứng nhu cầu công việc. Để thúc đẩy kinh tế số phát triển, Chính phủ Malaysia phải nhanh chóng khắc phục những yếu tố trên.

Từ tháng 2-2021, Chính phủ Malaysia công bố sáng kiến MyDIGITAL, vạch ra đường hướng phát triển nền kinh tế số của đất nước với kỳ vọng kinh tế số đóng góp 22,6% cho GDP cả nước vào năm 2025. MyDIGITAL đóng vai trò như một kế hoạch định hướng chuyển đổi số, có thể thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh cạnh tranh hơn trên trường quốc tế bằng cách nâng cao tính năng động và hiệu quả trong hoạt động.

PEDi được thành lập trong thời điểm nền kinh tế Malaysia đón nhận một số tín hiệu tích cực. Ngân hàng Thế giới (WB) cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Malaysia xuống 3,3%, nhưng đã tăng dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2022 lên 5,8%.

Theo WB, trong ngắn hạn, tình hình kinh tế Malaysia sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt từ dịch bệnh. Tuy nhiên, WB cho rằng, kinh tế Malaysia trong năm 2022 sẽ phục hồi. Dự báo về tăng trưởng kinh tế Malaysia năm 2021 của WB giống với Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM).

BNM cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Malaysia xuống còn 3%-4%.

Tin cùng chuyên mục