Cơ hội tăng xuất khẩu nông sản

Dịch Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia tăng số lượng nhập khẩu nông sản, nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Nhờ công tác phòng dịch tốt, nông sản Việt Nam được nhiều nước tin tưởng nhập khẩu. Đây chính là thời cơ để quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam đến bạn bè các nước.

Sản lượng tăng

Bộ NN-PTNT cho hay, trong tháng 8-2020, xuất khẩu điều nhân ước đạt 45.000 tấn với giá trị 261 triệu USD, so với tháng 7 tăng 4.000 tấn. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt 312.000 tấn, đạt 1,99 tỷ USD, tăng 9% về khối lượng nhưng giảm 5,4% về giá trị, so với cùng kỳ năm 2019. Cà phê xuất khẩu ước đạt 110.000 tấn với giá trị đạt 197 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm đạt 1,16 triệu tấn và 1,98 tỷ USD, giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài thị trường Đức, Hoa Kỳ và Italy, giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh tại các thị trường như Ba Lan tăng 52,6%, đạt 26,2 triệu USD; Nhật Bản tăng 15,1%, đạt 117 triệu USD và Bỉ tăng 10,6%, đạt 81,7 triệu USD. 

Cơ hội tăng xuất khẩu nông sản ảnh 1 Trồng thanh long ruột đỏ xuất khẩu ở Củ Chi, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Cũng theo Bộ NN-PTNT, nhiều quốc gia tăng sản lượng xuất khẩu, nhờ vậy giá tiêu cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng trong tháng 8. Cụ thể, so với tháng trước, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng 1.500 đồng/kg; Đắk Lắk, Đắk Nông tăng 2.000 đồng/kg; Đồng Nai tăng 2.500 đồng/kg. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tiêu giảm 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Lý giải về hiện tượng sản lượng tăng, giá trị giảm, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định, hiện nay các nước sản xuất nông sản như gạo, tiêu, điều… còn đang bị ảnh hưởng từ dịch nên không có lao động sản xuất. Sau khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, lo sợ không biết dịch khi nào hết và cũng còn ít tháng nữa sẽ đến kỳ nghỉ tết, nên các nước sẽ tăng cường nhập khẩu để đảm bảo hàng hóa trong nước.

Ở góc nhìn khác, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh, cho hay, nhiều năm nay, sản lượng cà phê, tiêu… không đạt năng suất cao nên nhiều nông dân đã giảm diện tích sản xuất. Bên cạnh đó, dịch cũng đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia sản xuất, khiến sản lượng toàn cầu giảm. Nhờ chống dịch hiệu quả, nhiều quốc gia tăng cường nhập khẩu nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, sản lượng tăng nhưng giá trị không đạt cao do chất lượng kém, nhiều nông dân đã “bỏ mặc” không chăm sóc cây trồng từ nhiều năm qua.

Sản xuất sản phẩm phù hợp 

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, sản lượng nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam tăng cao nhất trong những năm gần đây, nhưng nhìn chung, tổng sản lượng điều thô nhập khẩu về Việt Nam vẫn giảm, do sản lượng điều thô toàn cầu năm 2020 giảm 21.000 tấn so với năm 2019. Xuất khẩu điều nhân của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm, do các nước nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU và Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu phục vụ nhu cầu các dịp lễ, tết cuối năm. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) tăng sản lượng xuất khẩu.

Trong tình hình không thể nhận định khi nào hết dịch, nhiều nước lo sợ thiếu thực phẩm sẽ phải khuyến khích các DN tăng lượng dự trữ, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, dự báo, nhiều DN chế biến điều bị ảnh hưởng nặng nề do dự trữ nguyên liệu điều thô từ cuối năm trước để chế biến xuất khẩu cho năm sau. Đơn cử, cuối năm 2019 giá điều thô từ 1.200-1.500 USD/tấn, nhưng đầu năm 2020 giá điều thô giảm xuống còn 1.000 USD/tấn, đã kéo giá điều nhân giảm theo, khiến DN lỗ nặng, buộc phải sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngừng hoạt động.

Do đó, các DN chế biến điều lưu ý khi ký các hợp đồng mua điều thô phải cân đối được với giá bán điều nhân. Những DN không có vốn nhiều, cần tập trung vào hợp đồng ngắn hạn. Đối với DN “dư dả” có thể tăng nhập khẩu điều thô để có phương án, hợp đồng dài hạn do giá điều thô đang giảm.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), nông nghiệp Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh nhất định với các đối thủ, nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19. Tuy nhiên, do dịch nên các nước cũng tăng cường giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng an toàn thực phẩm để tránh nguy cơ lây nhiễm từ sản phẩm nhập khẩu.

Do đó, các công ty cần đầy đủ giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ mua hàng. Để đạt lợi nhuận cao, DN xuất khẩu Việt Nam nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao, như các sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp để phù hợp với những thay đổi mới của thị trường đang bị dịch.

Ngoài ra, các DN xuất khẩu cần lựa chọn các biện pháp thực thi, thanh toán hợp đồng nhằm giảm thiểu rủi ro, hạn chế các phát sinh thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, các hiệp hội cần nâng cao vai trò định hướng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm; tăng cường phát hiện, cảnh báo các hoạt động xuất nhập khẩu bất thường và có dấu hiệu vi phạm quy định nước nhập khẩu; tăng cường phối hợp với các ngành hàng tại nước nhập khẩu.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trung bình sản lượng cà phê của Brazil được mùa ước đạt 4,1 triệu tấn; trong khi thời điểm hiện tại, nước này chỉ mới thu hoạch được khoảng 60% do ảnh hưởng của dịch. Hiện nay, EU chiếm gần 45% lượng nhập khẩu cà phê hạt của toàn thế giới, dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 2 triệu bao. Nước nhập khẩu cà phê lớn thứ 2 là Hoa Kỳ cũng tăng thêm sản lượng nhập khẩu cà phê.

Tin cùng chuyên mục