Cơ hội phát triển môi trường số

Trong lúc khó khăn, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị đình trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19, thì các dịch vụ trực tuyến đang nắm lấy cơ hội phát triển, hoàn thiện công nghệ nhằm phục vụ tốt hơn. Không ít doanh nghiệp, đơn vị cũng tận dụng công nghệ thông tin nhằm chuyển hướng sản xuất kinh doanh, gia tăng năng lực phục vụ để vừa góp phần phòng chống dịch vừa giữ nhịp độ tăng trưởng.

Mua sắm online trong tình hình dịch Covid-19 đang được nhiều người tiêu dùng chọn lựa như một cách thức hạn chế tiếp xúc đông người, nhất là khi UBND TPHCM có tin nhắn đến tất cả các thuê bao tại TPHCM khẳng định luôn đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm và thực phẩm phục vụ người dân và qua đó UBND TPHCM cũng đề nghị người dân ưu tiên lựa chọn mua sắm hàng hóa trực tuyến. Hàng loạt sàn thương mại điện tử liền ghi nhận số lượng đơn hàng tăng đột biến. Còn Grab đã triển khai dịch vụ giao hàng gián tiếp (Contactless Delivery) nhằm giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa đối tác tài xế với khách hàng. Giới tài xế giao thức ăn đứng cách khách hàng 2-3m. Phương thức này được triển khai đầu tiên tại Hà Nội, được mở rộng đến các tỉnh, thành phố khác. Sự sáng tạo mới mẻ của các đơn vị bán hàng online đã góp phần tạo thêm sự an toàn cho người dân trước dịch bệnh.

Tháo gỡ việc chậm trễ học tập của học sinh, Tập đoàn VNPT miễn phí trải nghiệm VNPT E-Learning để góp phần giúp thầy, trò học từ xa. Chương trình miễn phí bắt đầu từ nay đến hết năm học 2019-2020, dành cho tất cả trường học và cơ sở giáo dục trên toàn quốc.

Dùng VNPT E-Learning, giáo viên có thể số hóa tài liệu, học liệu bản mềm thay bài giảng truyền thống, thiết lập giáo án điện tử. Hay VioEdu, sản phẩm của Tập đoàn FPT là một trong những hệ thống học trực tuyến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với hơn 500 video bài giảng sinh động, hơn 100.000 nội dung kiến thức liên tục được bổ sung và kho bài tập thực hành… Tại TPHCM Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã tăng cường triển khai phần mềm Smartschool (Công ty CP Trường học thông minh - Smartschool) và cung cấp tài khoản cho phụ huynh hướng dẫn học sinh học tập tại nhà trong thời gian nghỉ do dịch Covid-19.

Nhanh nhạy đưa giải pháp công nghệ ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 còn là Buồng khử khuẩn toàn thân di động phòng chống dịch Covid -19. Sản phẩm từ sự kết hợp giữa Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TPHCM) cùng các chuyên gia, nhà khoa học của Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) được hoàn thành sau 3 ngày từ khi lên ý tưởng, thiết kế mẫu và thành phẩm… và nay đã được đưa vào sử dụng ở một số nơi cần thiết. 

Để tạo ra những ứng dụng - sản phẩm công nghệ giúp phòng chống dịch bệnh Covid-19, VinaPhone và MobiFone cùng xây dựng app NCOVI để phục vụ khai báo sức khỏe toàn dân và Viettel còn đã hỗ trợ đắc lực cho Bộ Y tế như xây dựng App Sức khỏe Việt Nam chỉ trong vòng 6 ngày, vận hành đường dây nóng 19009095 của Bộ Y tế, triển khai 23 điểm cầu kết nối đến các bệnh viện phục vụ công tác phòng chống bệnh và hỗ trợ 700 điểm cầu tuyến xã/huyện, tuyến tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để Bộ Y tế kịp thời chỉ đạo thông qua hệ thống cầu truyền hình tại các chi nhánh của Viettel trên 63 tỉnh thành.

Qua đó các bác sĩ tại các địa phương kịp thời cập nhật tình hình, chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các sản phẩm phục vụ nhu cầu học online vẫn là những sản phẩm riêng lẻ, giải quyết tình thế. Mỗi trường, mỗi tỉnh thành có những ứng dụng khác nhau, nội dung không thống nhất nên chưa lấy được niềm tin từ người dạy cho đến học sinh, phụ huynh. Việc học tại nhà chưa thể áp dụng do hạ tầng viễn thông còn yếu kém, thiếu đồng bộ. Và không chỉ cho học tập, các mô hình bệnh viện điện tử, bệnh án điện tử đã được triển khai từ lâu nhằm khám bệnh từ xa, giúp sàng lọc, giảm thiểu sức ép cho các bệnh viện… vẫn còn trục trặc do chưa liên thông, liên kết với nhau, chưa thống nhất hồ sơ y tế bệnh nhân, phác đồ điều trị… nên hệ thống y tế thông minh chưa phát huy hiệu quả trong việc phòng chống dịch hiện nay.

Dịch Covid-19 lây lan do tiếp xúc, trong khi công nghệ giúp hạn chế tiếp xúc nên đây chính là “dịp” để thay đổi, để phát huy những cách làm mới. Các doanh nghiệp, tổ chức cần nhìn lại quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ phục vụ đời sống xã hội… từ đó thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, tạo ra các ứng dụng công nghệ số, đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường số và từng bước loại bỏ những bất cập, thiếu đồng bộ.

Tin cùng chuyên mục