Cơ hội nào cho NAFTA 2.0?

Từ ngày 16 đến 20-8 tới, vòng đàm phán lại đầu tiên về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ). 
Biểu tình phản đối NAFTA tại San Diego ( Mỹ)
Biểu tình phản đối NAFTA tại San Diego ( Mỹ)
Dự kiến, các bên liên quan gồm Mỹ, Mexico và Canada sẽ tiến hành 7 vòng đàm phán, mỗi vòng đàm phán cách nhau 3 tuần và cố gắng hoàn tất việc cập nhật hiệp định vào đầu năm 2018.Mỹ sẵn sàng từ bỏ Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, tiến trình đàm phán sẽ hướng tới bảo đảm quyền lợi cho ngành sản xuất của Mỹ thông qua việc hiện đại hóa Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) còn gọi là NAFTA 2.0 trên các lĩnh vực thương mại số, quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, an toàn thực phẩm cũng như quy định đối với doanh nghiệp nhà nước.
NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, được ký kết và có hiệu lực từ ngày 1-1-1994. NAFTA đã loại bỏ hầu hết các hàng rào thuế quan giữa 3 quốc gia này, qua đó cho phép vận chuyển liên tục hàng hóa và nguồn cung xuyên qua biên giới các nước. 
Phía Mỹ đang hy vọng đạt mục tiêu này trước khi Mexico tiến hành tổng tuyển cử và Mỹ tiến hành bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào giữa và cuối năm 2018, để tránh việc thông qua hiệp định có thể bị ảnh hưởng. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng cho biết, Mỹ sẽ áp đặt chính sách chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường của Mexico cũng như sản phẩm gỗ xẻ mềm của Canada nếu các cuộc đàm phán giải quyết các tranh chấp thương mại này không đạt kết quả. Tiến trình đàm phán lại NAFTA đã trải qua các vòng tham vấn tại 3 nước trước khi nó được bắt đầu. Trước đây, cả Mexico và Canada đều không muốn NAFTA bị sụp đổ, nhưng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump lại có mong muốn khác. Bước vào tòa nhà quyền lực nhất nước Mỹ khi đất nước đang trên đà phục hồi với thị trường lao động khởi sắc, Tổng thống Donald Trump rất tự hào chia sẻ những thành quả mà Mỹ đang gặt hái, như tỷ lệ việc làm đang ở mức tốt nhất trong vòng 17 năm qua, hay thị trường chứng khoán liên tục chốt phiên với sắc xanh ngập tràn. Những điều này đều đang hậu thuẫn cho quyết tâm thực hiện mục tiêu cải cách nền kinh tế vốn được vị tỷ phú này đặt làm trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình. Thông điệp về đàm phán lại các hiệp định thương mại tự do không có lợi đối với Mỹ đã được ông Trump nhắc đi nhắc lại trong suốt chiến dịch tranh cử. NAFTA là chủ đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, khi ông Trump hứa với cử tri Mỹ là sẽ từ bỏ hoặc tái đàm phán. Trước khi vòng đàm phán NAFTA mới được bắt đầu, ông Donald Trump đã cảnh báo, nếu không đạt được kết quả như kỳ vọng, Washington sẵn sàng từ bỏ hiệp định đã tồn tại hơn 20 năm này. Việc đàm phán lại NAFTA chỉ nhằm mục tiêu phải có một thỏa thuận có lợi cho Mỹ. Mục đích cuối cùng là đưa việc làm trở lại Mỹ. Phía Mỹ kêu gọi cả 3 nước tham gia NAFTA đặt ra tiêu chuẩn lao động cao hơn. Việc này sẽ khiến nhân công ở Mexico đắt đỏ và kém hấp dẫn hơn trong mắt giới doanh nghiệp Mỹ. Nước này cũng kêu gọi luật về môi trường tốt hơn và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh hơn.  Sau khi ông Donald Trump lên nhậm chức, cả Mexico và Canada đều không hài lòng với điều khoản “mua hàng Mỹ” của Tổng thống Mỹ. Theo Mexico và Canada, việc Mỹ công khai yêu cầu các dự án xây dựng trong NAFTA phải mua sản phẩm của các công ty Mỹ là sự vi phạm nghiêm trọng các quy định của NAFTA. Dưới thời ông Barack Obama, NAFTA cũng đã là vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù NAFTA được các công ty Mỹ ủng hộ và đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các điều khoản cho hiệp định này, nhưng đến nay nhiều công ty Mỹ đã bị đánh bật khỏi sân chơi bởi sự cạnh tranh từ các công ty của Canada và Mexico…  Theo quan điểm của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, kể từ khi ký NAFTA, Mỹ chứng kiến ngành sản xuất suy sụp, nhiều nhà máy bị đóng cửa và vô số người lao động mất việc. Chi phí đầu tư thấp, khiến các nhà đầu tư chuyển các nhà máy sang Mexico. Các nghiên cứu về tác động của NAFTA vào nền kinh tế Mỹ cho thấy, lợi ích thu được chưa cao. Nghiên cứu phi đảng phái mà Quốc hội Mỹ thực hiện năm 2015 đã chỉ ra rằng, NAFTA không khiến việc làm biến mất cũng không phải là yếu tố tạo thêm việc làm. Một nghiên cứu khác của Đại học Yale xác định, NAFTA chỉ góp phần giúp tăng thêm khoảng 100 USD trong GDP của mỗi lao động Mỹ hàng năm. Các ý kiến phản đối NAFTA tại Mỹ cũng cho rằng, NAFTA mở ra cơ hội giao thương giữa 3 nước nhưng không phải quốc gia nào cũng được lợi ích như nhau. Kể từ khi được thực thi, NAFTA đã đưa kim ngạch thương mại giữa Mỹ, Canada và Mexico tăng gấp 4 lần, vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2015 và 2016. Nhưng cùng với đó, thâm hụt thương mại của Mỹ với 2 nước láng giềng cũng tăng mạnh. Năm 2016, thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico vượt 63 tỷ USD. Mexico cứng rắn  Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, nếu NAFTA bị sụp đổ, Mexico bị ảnh hưởng nhiều nhất so với Mỹ và Canada. Trước NAFTA, Mexico là một nền kinh tế khép kín, bị chi phối bởi doanh nghiệp nhà nước, ôm nhiều nợ nần và có hàng loạt nông trại nhỏ lẻ năng suất thấp. Đó là điều kiện được đánh giá là “lý tưởng” để dẫn tới tình trạng thất nghiệp hàng loạt, một khi nông sản giá rẻ từ Mỹ ồ ạt đổ vào Mexico khiến cho nhiều nông dân phá sản. Việc tham gia các hiệp định tự do thương mại cộng với toàn cầu hóa đã tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người Mexico, mặc dù hầu hết các công việc này có mức lương khá thấp. Mexico đã tận dụng một số ưu thế khi tham gia hiệp định thương mại tự với Mỹ và Canada trong một số lĩnh vực nhất định. Trong đó, có thể kể đến thị trường ô tô, điện tử và nông nghiệp có sự tăng trưởng mạnh. Dòng vốn đầu tư từ các ngân hàng nước ngoài đổ vào nền kinh tế nước này cũng kéo theo việc tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.
Cơ hội nào cho NAFTA 2.0? ảnh 1 Một nhà máy sản xuất ô tô tại Mexico 
 Sau 20 năm gia nhập NAFTA và các hiệp định thương mại khác, nền kinh tế Mexico đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong khu vực. Theo trang tin PolicyOption, trong năm 1993, tổng kim ngạch thương mại giữa Mexico và 2 đối tác trong NAFTA là 30,9%, đến năm 2016, con số này tăng lên 51%. Từ năm 1999-2016, hơn 50% vốn đầu tư nước ngoài rót vào Mexico cũng đến từ 2 nước đối tác trong NAFTA. Mỹ hiện là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mexico. Mexico hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Mỹ, sau Canada và Trung Quốc và là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 2 của Mỹ. Hơn 81% hàng hóa xuất khẩu của Mexico sang Mỹ và ngược lại 46% lượng hàng hóa nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh này là từ Mỹ.
Ngay sau khi đắc cử tổng thống, ông Donald Trump tuyên bố sẽ trừng phạt các công ty đã chuyển sản xuất ra khỏi Mỹ, bằng cách đánh thuế 35% đối với hàng hóa của các công ty này khi xuất khẩu trở lại Mỹ. Tuyên bố này cũng ám chỉ những hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp ô tô tại Mexico. Chevrolet - thương hiệu xe vốn được biết tới là niềm tự hào của Mỹ nhưng lâu nay đã không còn được sản xuất tại nước Mỹ. Những công ty như Ford, General Motors đang hưởng lợi khi sản xuất ôtô tại Mexico nhờ hiệp định NAFTA đều có những động thái chuyển đầu tư về Mỹ. Năm ngoái, Mexico đã sản xuất được 3,4 triệu xe, 60% trong số này được xuất sang Mỹ. Đó là nhờ NAFTA. Kể từ khi NAFTA có hiệu lực năm 1994, số lượng ô tô được sản xuất tại Mexico đã tăng gấp 3, trong khi sản xuất ô tô tại Mỹ lại giảm ở mức 2 con số. Riêng trong năm ngoái, Mỹ chứng kiến thặng dư thương mại trong lĩnh vực công nghiệp ô tô với Mexico chạm mốc 67 tỷ USD. Cứ 11 chiếc xe Mỹ nhập từ Mexico mới có 1 chiếc xe nước này xuất sang Mexico. Tuy có thể bị ảnh hưởng không nhỏ nếu NAFTA sụp đổ, nhưng phía Mexico khẳng định quan điểm của nước này là không chấp nhận đưa thuế quan hoặc hạn ngạch vào thương mại song phương, đồng thời nhấn mạnh, trong trường hợp xấu, Mexico sẽ rời bỏ NAFTA. 
Canada bình tĩnh

Về phía Canada, nhiều doanh nghiệp Canada đã hưởng lợi nhờ thương mại tự do với các hiệp định ký với Mỹ đã khiến hai nền kinh tế trở nên gắn chặt với nhau hơn, với 3/4 hàng xuất khẩu của Canada chuyển về phía Nam biên giới. Trong một buổi trả lời phỏng vấn gần đây, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã khẳng định, NAFTA có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế và thị trường việc làm tại Canada, do đó ông sẽ làm việc với Tổng thống Donald Trump để đảm bảo rằng, không cần phải lên “phương án B” cho thỏa thuận khu vực này. Thủ tướng Trudeau tuyên bố giữ quan điểm mở và cân nhắc mọi lập luận khác nhau trong quá trình tái đàm phán NAFTA. Ông tin tưởng thỏa thuận thương mại này không thể bị phá vỡ bởi nó đang mang lại rất nhiều lợi ích cho cả Canada và Mỹ, vì thế Ottawa sẽ không cần chuẩn bị bất kỳ kế hoạch dự phòng nào. Ông cũng cho biết, Canada đang đa dạng hóa quan hệ thương mại với các nước khác, song Mỹ vẫn là đối tác quan trọng nhất.  

Hiện tại, Mỹ là bạn hàng thương mại lớn nhất của Canada với kim ngạch song phương đạt gần 508 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Canada xuất sang Mỹ 298 tỷ USD và nhập về 210 tỷ USD. Hơn 75% hàng hóa xuất khẩu của Canada được tiêu thụ tại thị trường Mỹ và Mỹ cũng đang có khoảng 9 triệu lao động phụ thuộc vào thương mại với Canada. Những lợi ích đan xen giữa hai bên rất lớn nên việc đàm phán lại NAFTA phải được tiến hành rất cẩn trọng. Không có nghiên cứu về tác động của NAFTA đối với Canada được công bố, nhưng theo ông Philip, một thành viên cao cấp tại Viện Macdonald - Laurier cho rằng, lợi ích bình quân tính theo đầu người ở Canada cũng có thể chỉ ở mức tối thiểu. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu thương lượng thất bại thì sẽ chẳng nước nào mừng. Bởi, Mexico và Canada đang cần thị trường Mỹ. Còn Mỹ vẫn cần hàng hóa rẻ từ 2 nước này.

Tin cùng chuyên mục