Cơ hội hòa giải

Theo dự kiến, trong hai ngày 30 và 31-7,  tại Sochi (Nga) diễn ra vòng đàm phán hòa bình mới về Syria với sự tham dự của Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và các đại diện của Syria, lực lượng nổi dậy, các quan sát viên của Liên hiệp quốc (LHQ). TASS đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Artyom Kozhin cho biết cũng đã gửi lời mời Mỹ tham dự.

 

Một vòng đàm phán hòa bình về Syria tại Geneve, Thụy Sĩ. (Ảnh: AP)
Một vòng đàm phán hòa bình về Syria tại Geneve, Thụy Sĩ. (Ảnh: AP)

Vẫn theo ông Kozhin, những người tham gia cuộc họp sẽ xem xét những tiến bộ đã đạt được trong và quanh Syria, trao đổi quan điểm về quá trình đưa ra đàm phán nội bộ Syria dựa trên Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ). Các bên cũng sẽ xem xét các quyết định của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại Sochi hồi tháng 1 và tiếp tục thảo luận các bước tiếp theo để sớm khởi động công việc của Ủy ban Hiến pháp, công cụ quan trọng để thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. 

6 tháng trước, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân do nhiều nhóm đối lập chủ chốt từ chối tham dự, nhưng việc Đại hội đối thoại dân tộc Syria diễn ra ngày 30-1 đã nhất trí ra tuyên bố chung với những nội dung tích cực là một thành công đáng ghi nhận trên nhiều khía cạnh. Ngay trước thềm sự kiện, đã xuất hiện không ít những lo ngại rằng đại hội sẽ lại bị hủy bỏ như cách đây mấy năm bởi vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên liên quan, đặc biệt là các hoạt động chống phá từ phía các lực lượng bất đồng quan điểm và lợi ích chung với các nhà tổ chức. Điểm khác biệt của Đại hội Sochi lần đó so với hội nghị Astana hay đàm phán Geneva là lần đầu tiên kể từ năm 2011, thời điểm trước khi cuộc xung đột bùng nổ tại Syria, các cuộc đàm phán giữa những người Syria đã không còn phải tiến hành một cách gián tiếp thông qua đặc phái viên LHQ về Syria nữa.

Kể từ đó, tình hình Syria đã có thêm nhiều thay đổi. Mới nhất, Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) do người Kurd thống lĩnh, cánh chính trị của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn tuyên bố  nhóm này và Chính phủ Syria đã nhất trí thành lập các ủy ban thúc đẩy đàm phán nhằm chấm dứt bạo lực tại Syria; các nhân viên cứu trợ Syria và LHQ bắt đầu phân phát hàng viện trợ nhân đạo do Pháp cung cấp tới khu vực Đông Ghouta, đánh dấu hoạt động phối hợp vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo đầu tiên giữa Nga và một nước phương Tây tới Syria….

Tuy nhiên, Đại hội đối thoại dân tộc Syria hồi tháng 1 chỉ là sự khởi đầu của một chặng đường dài hướng đến hòa bình thực sự cho người dân Syria, như khẩu hiệu của Đại hội Sochi nêu ra. Thực tế cho thấy xung đột vẫn chưa thực sự chấm dứt, vẫn còn đó vô vàn những điểm gây tranh cãi giữa các bên tham gia đàm phán. Giới chức quốc phòng Mỹ vẫn hoài nghi về triển vọng hợp tác với Nga tại Syria, nơi cả Mỹ và Nga đang tiến hành các chiến dịch quân sự riêng rẽ chống lại các nhóm khủng bố. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov nhấn mạnh Mỹ chỉ có cơ hội duy nhất ở lại quốc gia Trung Đông này là phối hợp hành động với Mátxcơva và Damascus để đưa người tị nạn hồi hương. 

Thời gian tới, các bên liên quan sẽ tiếp tục phải đàm phán, thỏa hiệp và nhượng bộ để mang lại hòa bình, ổn định cho đất nước Syria vốn bị tổn thất nhiều trong suốt 7 năm qua. Đây cũng là cơ hội để chứng minh lời người phát ngôn của phe đối lập Syria Yahya al-Aridi từng nói: “Hội nghị Sochi là thông điệp gửi tới thế giới rằng người dân Syria đang hòa giải”.

Tin cùng chuyên mục