Cơ hội đi kèm áp lực

Từ ngày 1-8, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, việc chuẩn bị sẵn tâm thế để nắm bắt cơ hội từ EVFTA đối với các doanh nghiệp (DN) trẻ là điều cần thiết. 
Thương lái kiểm tra chất lượng bơ tại một nhà vườn ở tỉnh Đắk Nông
Thương lái kiểm tra chất lượng bơ tại một nhà vườn ở tỉnh Đắk Nông

Theo Bộ Công thương, nước ta có khoảng 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, được xem như trái tim của nền kinh tế đất nước. Một trong những điểm nổi bật của EVFTA chính là Liên minh châu Âu (EU) dành cho Việt Nam cam kết ưu đãi thuế quan ở mức độ cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể cho 85% dòng thuế hàng hóa từ Việt Nam hưởng mức thuế 0% ngay tháng 8 tới đây, đồng thời loại bỏ thuế với gần như tất cả hàng hóa sau 7 năm. Chưa kể, nhiều năm qua, không ít DN trong nước đáp ứng yêu cầu hưởng lợi từ hệ thống ưu đãi thuế quan đơn phương của EU, nên đây cũng là cơ hội đáng kể.

Chị L.T, Giám đốc Công ty L.M chuyên kinh doanh đặc sản Tây Nguyên (quận 11, TPHCM) cho hay, việc tiếp cận các thông tin hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chủ yếu qua các kênh như báo chí, internet… Việc đọc hiểu, thẩm thấu các quy định cũng không dễ dàng. Nhìn chung, nhiều DN trẻ, nhỏ, siêu nhỏ vẫn hoạt động manh mún, chưa gắn kết chặt chẽ với nhau để tạo nên một liên minh vững chắc. Do vậy rất cần các cuộc họp, các buổi tập huấn cụ thể hơn cho những DN chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng chuyên biệt, được hưởng ưu đãi thuế trong bối cảnh hiện nay. Chẳng hạn như sản phẩm mật ong bên chị T. sản xuất là một ví dụ. “Một số đồng nghiệp của tôi hào hứng chia sẻ đã đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu mật ong sang châu Âu, nhưng thực tế không dễ, bởi có những quốc gia lâu đời như Italy, Pháp… có bề dày sản xuất mặt hàng này. Họ đưa ra các tiêu chuẩn rất khắt khe, kèm theo việc giám sát quy trình nuôi ong, có giết ong không…”, chị L.T phân tích. 

Anh Nguyễn Quỳnh, giám đốc một DN chuyên sản xuất, phân phối hàng may mặc tại TPHCM cho rằng, các DN nhỏ và siêu nhỏ cần hợp lực, liên minh chặt chẽ, minh bạch thông tin… Việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA, cho thấy cần sự quyết tâm, nỗ lực của chính DN. Anh Quỳnh nhấn mạnh, nếu nhìn vào số lượng các trang fanpage chuyên bán hàng online trên mạng xã hội hiện nay, sau đó đối chiếu với các vụ vi phạm mà lực lượng liên ngành quản lý thị trường xử lý, thực tế chỉ là “muối bỏ biển”. Vi phạm tràn lan, nhưng cơ quan chức năng bắt được và xử phạt chỉ rất ít. Danh mục sản phẩm tiêu dùng hàng nhái, hàng giả được rao bán công khai. Mà đây là điều tối kỵ khi nước ta ký kết các hiệp định thương mại tự do. Hoặc như gần đây, các vụ vi phạm hàng hóa Trung Quốc gắn mác Việt Nam để xuất khẩu cũng ảnh hưởng đến uy tín nước ta. 

“Muốn là đối tác bền vững, DN cần giữ uy tín, minh bạch thông tin. Các thị trường lớn có những yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường. Mà các yếu tố này không phải DN nào cũng đáp ứng được. Chưa kể đến các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa… cũng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp cận thị trường mới của DN trẻ”, anh Quỳnh cho biết thêm. 

Mong mỏi của các DN trẻ nhỏ và siêu nhỏ hiện nay chính là thông tin và chính sách hỗ trợ cho những đối tượng dễ tổn thương này. DN có thể tự thân vận động, nhưng ở quy mô nhỏ, manh mún. Ngược lại, muốn có những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam xuất khẩu “đường đường chính chính” vào các thị trường khó tính nhằm tận dụng EVFTA, thì cần những biện pháp hỗ trợ tích cực hơn, tầm nhìn dài hạn hơn.

Tin cùng chuyên mục