Cơ hội để tái cơ cấu thị trường, sản xuất

Trong một tháng dịch bệnh hoành hành, đã có thể thấy rõ tác động tiêu cực của nó tới nền kinh tế, đặc biệt là những ngành phụ thuộc nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị từ Trung Quốc.

Tại tọa đàm với chủ đề “Hiệp định EVFTA, tác động của dịch Covid -19 tới kinh tế thế giới và Việt Nam” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa tổ chức, các đại biểu nhận định, trong một tháng dịch bệnh hoành hành, đã có thể thấy rõ tác động tiêu cực của nó tới nền kinh tế, đặc biệt là những ngành phụ thuộc nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị từ Trung Quốc. Thiệt hại về sản xuất do chuỗi giá trị với Trung Quốc bị gián đoạn không nhỏ nhưng chưa có số liệu đầy đủ. 

Vấn đề xuất khẩu sang Trung Quốc được bàn thảo rất nhiều trong buổi tọa đàm. Toàn bộ số rau quả, nông sản định xuất khẩu qua hai cửa khẩu sang Trung Quốc đều bị tạm dừng và một số mặt hàng đã buộc phải quay đầu tiêu thụ trong nước. Hiện việc thông thương bình thường trở lại chưa được thực hiện vì phải phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực du lịch. Thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 30%. Khách sụt giảm sẽ giảm sút nguồn thu từ du lịch.

Trong những ngày qua, đồng nhân dân tệ mất giá mạnh khiến giá hàng Trung Quốc giảm và tuồn sang Việt Nam mạnh hơn. Đáng chú ý là đến nay phía Mỹ không có phản ứng gì đối với việc đồng nhân dân tệ mất giá và Ngân hàng Trung Quốc cũng không có biện pháp gì để ổn định. Đó là thách thức lớn với thị trường tài chính quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, khi sản xuất tại Trung Quốc bị đình trệ vì dịch bệnh; nguồn hàng xuất khẩu của họ vào các nước giảm cũng mở ra cơ hội cho hàng Việt Nam lấp chỗ trống, qua đó tăng cường xuất khẩu. Vấn đề là DN Việt Nam phải nhanh nhạy nắm cơ hội điều chỉnh để tăng sản lượng, tăng xuất khẩu. Nếu làm tốt, về lâu dài có thể thay thế được một số mặt hàng của Trung Quốc chứ không chỉ lấp chỗ trống nữa. Đó là cơ hội cũng là thách thức với chúng ta. Trong du lịch, nếu khách Trung Quốc sang Việt Nam giảm thì các DN tìm cách thu hút khách từ Tây Âu, Nga…

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, cách tốt nhất đối với Việt Nam lúc này là cố gắng duy trì sản xuất. Với DN, cần phải năng động hơn nữa để nhìn ra các cơ hội, hướng đi mới cho mình. Sáng kiến bánh mì thanh long, bánh mì dưa hấu, nhân sầu riêng của doanh nhân Kao Siêu Lực là sự trợ giúp, chia sẻ kịp thời, khắc phục khó khăn rất đáng trân trọng.

Hiện Chính phủ đã có chương trình hành động, trong đó có cắt giảm chi phí, thực hiện Chính phủ điện tử để giảm bớt thủ tục hành chính cho DN, các cơ quan nhà nước cần hợp tác, sát cánh cùng với DN để thực hiện các chương trình hành động. Chính phủ cũng nhanh chóng có cơ chế hỗ trợ phù hợp, giảm lãi suất cho vay, miễn, giãn và giảm thuế cho DN trong các lĩnh vực đang chịu thiệt hại nặng nề từ Covid-19 để nuôi dưỡng DN, nuôi dưỡng nguồn thu cho đất nước. Đây cũng chính là cơ hội đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, cho quốc gia.

Tin cùng chuyên mục