Cơ hội của Nhật Bản ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương


Ngày 23-9, các nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản cho biết, Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu đang lên kế hoạch thăm một số nước châu Âu vào cuối tháng này để tăng cường liên kết nhằm thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trước đó, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và người đồng cấp Đức Angela Merkel, trong cuộc điện đàm ngày 22-9, đã nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy kế hoạch trên và cùng chung tay khống chế đại dịch Covid-19.

Từ Đức tới châu Âu

Chính phủ Đức trước đó đã thông qua chiến lược với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó xác định ưu tiên can dự vào khu vực này. Đức tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực và với Nhật Bản, ngược lại cũng thể hiện thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc.

                   Kinh tế Nhật Bản trước nhiều thử thách và cơ hội.  Ảnh: Daikin
Theo giới quan sát, đây là một bước chuyển lớn trong chiến lược của Đức, nhằm thúc đẩy can dự mạnh mẽ hơn nữa của Berlin với vai trò là một bên tạo lập và là đối tác của khu vực vốn ngày càng có ý nghĩa quan trọng trên thế giới. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đức. Việc Đức thông báo vào thời điểm này là một sự lựa chọn có tính toán rõ ràng. Đức vừa lên nắm ghế chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-7 nên sẽ thúc đẩy khối đi theo chính sách của mình thuận lợi hơn. Do vậy, Nhật Bản có thể nhân cơ hội này muốn tăng cường quan hệ hợp tác song phương với Đức.

Theo hãng tin Jiji Press, sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Merkel, Thủ tướng Suga Yoshihide cũng đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Hai bên nhất trí hợp tác trong một loạt lĩnh vực, trong đó có thương mại, biến đổi khí hậu và chuyển đổi số. Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Motegi sẽ lần lượt thăm 3 nước châu Âu, trong đó có Đức và Pháp, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2020. Ngoài việc bàn các biện pháp đối phó với dịch Covid-19, các chủ đề trọng tâm của chuyến thăm là tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế.

Tận dụng cơ hội

Đối với Nhật Bản, việc cân bằng lợi ích trong nước, chủ nghĩa đa phương và hợp tác toàn cầu trong thế giới hậu Covid-19 là mục tiêu hàng đầu trong bối cảnh Tokyo vốn dĩ không ủng hộ ý tưởng về một “trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm”. Hãng tin Kyodo ngày 22-9 dẫn nhận định của một số học giả ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương hy vọng tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo trong các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như người tiền nhiệm Shinzo Abe từng làm - đặc biệt vào thời điểm Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào một “cuộc Chiến tranh lạnh mới”. Các học giả này đề xuất chính phủ của ông Suga Yoshihide tập trung duy trì sự hợp tác kinh tế và hàng hải cốt yếu trong các vấn đề khu vực, hơn là ưu tiên vấn đề an ninh, qua đó không làm leo thang căng thẳng Mỹ - Trung. 

Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế Singapore Simon Tay nhận định: “Khu vực này hưởng lợi từ một Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe vốn đã chủ động, nhất quán và là một đối tác tin cậy. Trong khi Thủ tướng Suga Yoshihide đại diện cho tính kế thừa liên tục và điều đó sẽ được đảm bảo”. Học giả Simon Tay ám chỉ tới sự quả quyết của ông Suga Yoshihide trong cuộc hội đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thúc đẩy tầm nhìn chung của hai nước về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa khi là đối tác với Australia, Ấn Độ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước khác ở khu vực.

Báo Sankei ngày 23-9 dẫn nguồn từ truyền thông Australia cho biết, Thủ tướng nước này Scott Morrison sẽ thăm Nhật Bản trong tháng 11 tới để thúc đẩy quan hệ hai nước dưới thời tân Thủ tướng Suga Yoshihide. Theo giới quan sát, chuyến thăm này tiếp tục là một động thái mạnh mẽ từ chính phủ của ông Morrison gửi tới Bắc Kinh nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tin cùng chuyên mục