Cơ hội của ngành dệt may

Ước tính kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2021 chỉ dừng lại ở mức 39 tỷ USD. Như vậy, đây là năm thứ 3 ngành dệt may Việt Nam lại lỗi hẹn với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD. 

Nguyên nhân, theo các doanh nghiệp, là do dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, gián đoạn hoạt động sản xuất, chậm hoặc mất nhiều đơn hàng của đối tác và chi phí logistics toàn cầu tăng mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp dệt may. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, những nguyên nhân trên là đúng nhưng chưa đủ. Mức độ ảnh hưởng sẽ giảm nhẹ nếu ngành dệt may có thể chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Trên thực tế, khi dịch bệnh xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, theo đó ngành dệt may cũng chật vật, thậm chí nhiều nơi bị tê liệt. Hầu hết các doanh nghiệp đều bị thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất. Thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ước tính có đến 80% nguồn nguyên liệu sản xuất của ngành là nhập khẩu. Số ít được cung ứng trong nước nhưng sản lượng không ổn định. Đã vậy, trong thời gian cao điểm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước đã giảm công suất hoạt động để đảm bảo công tác phòng dịch. Điều này khiến tình trạng thiếu nguyên liệu ngày càng nghiêm trọng. 

Chủ động nguồn nguyên liệu là giải pháp phát triển ổn định, bền vững cho ngành dệt may. Tuy nhiên, để làm được điều này, phía hiệp hội dệt may cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm thông qua chiến lược phát triển ngành từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, cần sớm thành lập khu công nghiệp chuyên ngành dành cho ngành dệt may để hoàn thiện hệ sinh thái chuỗi cung ứng cho ngành. Mặt khác, chính quyền địa phương cần xóa bỏ “thành kiến” về việc cấp phép thành lập nhà máy sản xuất nguyên liệu là gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bởi, với công nghệ hiện đại như hiện nay và việc đầu tư, vận hành được kiểm soát tốt, nguy cơ phát sinh khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường của nhà máy dệt may sẽ được ngăn chặn kịp thời. 

Ở góc độ khác, sự “lỗi hẹn” ngành dệt may do gián đoạn hoạt động sản xuất cũng đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may trở mình theo hướng xanh hơn, bền vững hơn. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm trên thị trường quốc tế. Hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp dệt may tái đầu tư lại dây chuyền, công nghệ theo hướng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, áp dụng giải pháp tuần hoàn kết hợp tái chế, tái sử dụng chất thải. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất sản phẩm may mặc thân thiện môi trường. Từ đó tạo cơ hội để sản phẩm dệt may mở rộng thị phần xuất khẩu. 

Hiện ngành dệt may Việt Nam đã và đang tạo chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường quốc tế. Đơn cử, dệt may Việt Nam đứng thứ 2 xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Tại thị trường châu Âu, Canada, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, dệt may Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu. Tuy nhiên, tính chung trong tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của các thị trường này, dệt may Việt Nam chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, khoảng 2%. Kỳ vọng rằng, khi những gút thắt được nhận diện và có giải pháp tháo gỡ, cùng với sự trở mình mạnh mẽ của ngành dệt may để biến “nguy” thành “cơ”, thì mục tiêu đạt 40 tỷ kim ngạch xuất khẩu sẽ sớm đạt được. 

Tin cùng chuyên mục