Cơ hội chuyển đổi hòa bình

Phái đoàn ngoại giao của Taliban đang thực hiện cuộc đàm phán quan trọng với các đoàn ngoại giao phương Tây tại Oslo, Na Uy để thảo luận về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan.
Ông Amir Khan Muttaqi (giữa, trái), người được lực lượng Taliban chỉ định làm Ngoại trưởng, và Đặc phái viên Anh về Afghanistan Nigel Casey (giữa, phải) tại cuộc đàm phán giữa phái đoàn Taliban và các đoàn ngoại giao phương Tây ở Oslo, Na Uy ngày 24-1-202
Ông Amir Khan Muttaqi (giữa, trái), người được lực lượng Taliban chỉ định làm Ngoại trưởng, và Đặc phái viên Anh về Afghanistan Nigel Casey (giữa, phải) tại cuộc đàm phán giữa phái đoàn Taliban và các đoàn ngoại giao phương Tây ở Oslo, Na Uy ngày 24-1-202

Đây là lần đầu tiên Taliban cử phái đoàn đến châu Âu kể từ khi lực lượng này trở lại nắm quyền ở Afghanistan từ tháng 8-2021.

Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết cuộc đàm phán tập trung vào các vấn đề bảo đảm quyền con người và viện trợ nhân đạo, trong đó ngày đàm phán đầu tiên hôm 23-1 dành cho các cuộc tiếp xúc với các nhà hoạt động nữ và các nhà báo.

Hai ngày làm việc tiếp theo, Taliban có các cuộc tiếp xúc với giới chức nước chủ nhà cùng quan chức các nước gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, Mỹ và đại diện Liên minh châu Âu (EU).

Theo Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt, sự kiện này không đồng nghĩa với sự công nhận hay hợp pháp hóa lực lượng Taliban cầm quyền tại Afghanistan.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng chính quyền Taliban Amir Khan Muttaqi khẳng định: “Việc Na Uy mang lại cho chúng tôi cơ hội này đã là một thành tựu, vì chúng tôi chia sẻ sân khấu này với thế giới… Từ những cuộc gặp này, chúng tôi chắc chắn sẽ nhận được hỗ trợ cho các lĩnh vực nhân đạo, y tế và giáo dục tại Afghanistan”.

Tờ Telegraph của Anh bình luận, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa đại diện chính quyền Taliban tại Afghanistan với các nước phương Tây được cho là cơ hội để “chuyển đổi bầu không khí chiến tranh” sau hai thập niên đối đầu với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Người phát ngôn của Taliban, ông Zabihullah Mujahid cũng cho biết, lực lượng này đã thực hiện các bước để đáp ứng các yêu cầu của phương Tây và hy vọng tăng cường quan hệ ngoại giao với tất cả các các nước. Tại Afghanistan, chính quyền Taliban đã phân phát đồ viện trợ nhân đạo đến ít nhất 10 tỉnh trong số 34 tỉnh trên cả nước.

Người phát ngôn Bộ Tị nạn và Hồi hương Afghanistan, ông Abdul Mutalib Haqqani cho biết 440 tấn gạo, sẽ được 20 xe tải vận chuyển đến 10 tỉnh dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh thực phẩm còn có chăn màn, áo ấm và các nhu yếu phẩm khác… Kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền, nền kinh tế Afghanistan càng lún sâu vào khủng hoảng với tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp gia tăng. Hàng tỷ USD tài sản của Afghanistan bị phong tỏa trong hệ thống ngân hàng của Mỹ, trong khi hoạt động cứu trợ bị gián đoạn nghiêm trọng.

Tin cùng chuyên mục