Cơ hội cho vận tải đường sắt

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, ngành đường sắt đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới khi sản lượng vận tải khách bị sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây cũng có thể là một áp lực đủ mạnh buộc ngành đường sắt phải chọn hướng đi thích hợp, thay vì loay hoay giành thị phần trong cuộc cạnh tranh không cân sức với các loại hình vận tải khác.

 

Nhiều dấu hiệu tích cực

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải hành khách của doanh nghiệp này đạt hơn 527 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng.

Cơ hội cho vận tải đường sắt ảnh 1 Bốc xếp hàng hóa tại ga Sóng Thần, Bình Dương. Ảnh: MINH DUY
Dự kiến cả năm 2020, công ty mẹ sẽ có doanh thu giảm 700 - 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch 2020, lỗ 694 - 935 tỷ đồng, tùy theo từng thời điểm kết thúc dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong thời điểm tưởng như rất bế tắc đó, ngành đường sắt lại đang lóe sáng dấu hiệu đáng mừng, đó là doanh thu vận tải hàng hóa tăng. 


Từ đầu tháng 2-2020, tàu container lạnh liên vận quốc tế vận chuyển thanh long chạy thẳng từ ga Đồng Đăng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc) đã có được lượng hàng ổn định, chạy đều đặn hàng tuần. Đây là sản phẩm vận tải logistics trọn gói, mở ra hướng xuất khẩu chính ngạch hàng trái cây và nông sản đông lạnh bằng đường sắt sang Trung Quốc và từ đó đi Trung Á, châu Âu. Một tin vui nữa, mới đây, Tổng công ty ĐSVN đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để thực hiện kế hoạch vận chuyển bằng đường sắt năm 2020 lên khoảng 1,6 triệu tấn. Các sản phẩm như apatit, phân bón, hóa chất của tập đoàn này sẽ được vận chuyển bằng đường sắt. 

Thông tin từ các công ty vận tải đường sắt cho biết, quý 1-2020 doanh thu vận tải hàng hóa đã tăng trưởng 10%-11% so với 2019. Vào thời điểm tàu khách bị tạm dừng hàng loạt, các đơn vị đã tìm tòi để đưa vào khai thác một số sản phẩm mới, ví dụ như duy trì chạy hàng ngày đôi tàu container hành trình 40 giờ; nhận chuyển hàng hóa theo tàu khách hành trình 34 giờ, đẩy mạnh hình thức chuyển hàng online, nhân viên đường sắt sẽ đến tận địa chỉ của khách hàng để giao nhận hàng hóa. Với hình thức vận chuyển này, đường sắt có thể vận chuyển được nhiều loại mặt hàng, nhất là hàng như trái cây, hàng chuyển phát nhanh, mỹ phẩm, dược phẩm… kể cả những mặt hàng cần bảo quản lạnh như sữa mẹ vắt ra.

Phải nỗ lực thay đổi hơn nữa

Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN Đặng Sỹ Mạnh cho biết, để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng dịch, doanh nghiệp đã đưa ra rất nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp đã phát huy hiệu quả tốt là tổ chức thêm các đoàn tàu hàng bù vào phần năng lực chạy tàu dư thừa do tàu khách bị cắt giảm. Với thời gian chạy tàu hàng như tàu khách tuyến Bắc Nam, đường sắt hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu vận chuyển đa dạng các loại hàng hóa. 

Bên cạnh đó, đường sắt đã nâng cao khai thác các đoàn tàu hàng liên vận quốc sang Trung Quốc. Đây là thời điểm tàu chở hàng thể hiện thế mạnh nổi bật so với các loại hình vận tải khác. Tàu chở container lạnh chở hàng tươi sống từ phía Nam đến được ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và xong thủ tục thông quan tối đa 5 ngày, một đoàn tàu có thể chở 20 container, giá cước thấp hơn đường bộ 20%. Trong khi vận tải đường bộ đang bị dồn ứ tại cửa khẩu do công tác kiểm dịch bị siết chặt, khiến chi phí và thời gian đều bị đội lên thì đường sắt có lợi thế hơn hẳn. Tàu chở hàng có thể làm thủ tục thông quan rất nhanh, do công tác phòng dịch, kiểm dịch cho tài xế, nhân lực đi kèm đơn giản hơn hẳn so với đường bộ, nguy cơ lây nhiễm dịch thấp hơn. Hiện đường sắt đang là giải pháp tối ưu cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Ông Đặng Sỹ Mạnh nhận định, để ngành đường sắt thực sự phát huy được thế mạnh của mình, kể cả khi đã hết dịch bệnh và các chuyến tàu khách được khôi phục trở lại, việc đầu tư nâng cấp chất lượng toa xe để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đầu tư năng lực bốc xếp tại ga và nâng cao năng lực quản trị là điều cần đặc biệt quan tâm. Về toa xe, hiện ngành đường sắt đã và đang đóng mới khoảng 300 toa xe chở container. Ông Đỗ Văn Hoan, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết, doanh nghiệp này hiện đã tạm dừng đầu tư lớn về toa xe chở hành khách và triển khai đóng mới 100 toa xe hàng hỗn hợp để có thể chở được nhiều mặt hàng. Về kho bãi, khó khăn lớn nhất là phần lớn các kho hàng tổng hợp đã xuống cấp, không có kho nào đạt tiêu chuẩn để lưu trữ, bảo quản các mặt hàng tươi sống, hàng hóa có giá trị cao. Cả hệ thống chỉ có 4 ga có bãi hàng và thiết bị xếp dỡ, bảo quản container gồm: Lào Cai với công suất 100.000 TEU/năm, Đông Anh 85.000 TEU/năm, Yên Viên 578.000 TEU/năm, Trảng Bom 120.000 TEU/năm. 

Ông Trần Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt, cho biết, do thiếu kho bãi, phương tiện hỗ trợ, giá thành vận tải đường sắt còn cao, trong đó, chi phí hai đầu vẫn chiếm đến 50% tổng chi phí. Thời gian tới, ĐSVN sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kho bãi để hạ chi phí logistics. Để thu hút khách hàng, ngành đường sắt cũng sẽ nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị vận tải hàng hóa qua mạng, tạo điều kiện thuận tiện hơn đối với khách hàng. Đặc biệt, ngành đường sắt đang xem xét giảm cước vận tải hàng hóa trong điều kiện giá nhiên liệu giảm và tiết kiệm chi phí để cạnh tranh với các loại hình vận tải khác. Như vậy, trong bối cảnh chưa đủ lực đầu tư cho mảng vận tải hành khách có thể cạnh tranh với hàng không, đường bộ, việc đầu tư mạnh cho vận tải hàng hóa sẽ là hướng đi khả thi cho đường sắt.

Tin cùng chuyên mục