Cơ hội cho du lịch ĐBSCL

Với việc mở cửa đón khách tại các khu, điểm du lịch, cùng với tín hiệu vui từ việc du khách trở lại, các địa phương ĐBSCL đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp khôi phục ngành du lịch, trong đó tập trung hướng đến xây dựng “điểm đến an toàn” và khai thác tiềm năng to lớn từ thị trường khách nội địa.
Du khách đã trở lại tham quan, mua sắm tại Chợ nổi Cái Răng vào dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua
Du khách đã trở lại tham quan, mua sắm tại Chợ nổi Cái Răng vào dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua

Tín hiệu vui

Số liệu thống kê từ ngành du lịch của TP Cần Thơ cho thấy, trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Cần Thơ đón khoảng 35.850 lượt khách (giảm 74% so với cùng kỳ 2019). Trong đó, lượng khách lưu trú là 5.750 lượt (giảm 73,8% so với cùng kỳ); tổng thu từ nguồn du lịch ước đạt 12,5 tỷ đồng (giảm 70,2% so với cùng kỳ). Nhìn vào các số liệu trên không khỏi khiến nhiều người liên tưởng đến bức tranh đầy ảm đạm của ngành du lịch. Tuy nhiên, dù với số lượng khách khá khiêm tốn nhưng sự xuất hiện trở lại của du khách đã mang đến niềm vui, hy vọng cho nhiều người dân có sinh kế gắn với Chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) sau một thời gian dài vắng vẻ vì dịch Covid-19.

Anh Nguyễn Trọng Nhân, chủ cửa hàng đặc sản tại Chợ nổi Cái Răng, cho biết, khách đã trở lại dịp lễ vừa rồi, bao gồm cả khách lẻ và khách đoàn. Riêng cửa hàng của anh đón khoảng 250 lượt khách/ngày, chủ yếu là khách nội địa đến tham quan, mua sắm. Lượng khách dù chỉ bằng 1/4 so với dịp lễ 30-4 năm trước, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì đây cũng đã là một niềm vui, hy vọng lớn cho hoạt động du lịch tại chợ nổi. Cùng suy nghĩ trên, anh Nguyễn Vũ Trường, một chủ tàu du lịch hoạt động tại Bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết, đội tàu của anh gồm 13 chiếc hoạt động khá sung túc trở lại trong dịp lễ, đa số là khách trong nước, chỉ vài người nước ngoài. Dù không thể so dịp lễ này với các năm, nhưng trong tình hình dịch hiện nay thì đây vẫn là niềm an ủi lớn.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Cần Thơ cho rằng, trên thực tế không thể phủ nhận việc nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đang gặp  khó khăn. Trước mắt, sở đang khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói chính sách từ Chính phủ, đồng thời xây dựng các kế hoạch, chương trình quảng bá, xúc tiến dựa theo các kịch bản đã được dự báo về tình hình dịch Covid-19. Ở một khía cạnh khác, việc du khách bắt đầu trở lại (chủ yếu là khách nội địa) vào dịp lễ vừa qua cũng là một tín hiệu vui trong tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa được đẩy lùi hoàn toàn. Tại An Giang, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang, cho biết, dịp lễ vừa rồi tỉnh đón hơn 50.000 lượt khách, con số khá khiêm tốn so với cùng kỳ 2019, nhưng đây là một tín hiệu lạc quan về sự hồi phục của ngành “công nghiệp không khói”. Trong bối cảnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung đang làm tốt công tác khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19, phần nào khiến tín hiệu lạc quan trong lĩnh vực du lịch càng thêm có cơ sở.

Ưu thế từ thị trường nội địa

Với những tác động của dịch Covid-19, thị trường khách quốc tế được dự báo sẽ khó có khả năng phục hồi sớm, cần phải có thời gian dài sau dịch. Một số nguyên nhân được chỉ ra như: tình hình kinh tế suy giảm, lao động phải tập trung làm việc sau dịch, việc mở lại các đường bay quốc tế cũng cần có thời gian, tâm lý dè dặt khi đi du lịch trở lại... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta không nên quá bi quan vào “bức tranh ảm đạm” của ngành du lịch khi vẫn còn nhiều ưu thế từ thị trường khách nội địa. Thị trường khách du lịch tại khu vực ĐBSCL nhìn chung có số lượng khách nội địa chiếm tỷ trọng khá lớn. Cụ thể, năm 2019 TP Cần Thơ đã đón hơn 3 triệu lượt khách lưu trú; trong đó, có đến 86,4% là khách nội địa (gần 2,6 triệu lượt khách), khách quốc tế chỉ chiếm 13,6% (tương đương khoảng 409.000 lượt khách). Do đó, thị trường khách nội địa đang được nhiều địa phương trong vùng chọn làm “thị trường mục tiêu” ngay từ thời điểm này. 

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Cần Thơ, với việc xác định thị trường mục tiêu là khách nội địa, thành phố đang tập trung xây dựng và quảng bá hình ảnh “Cần Thơ - Điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng”. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để kích cầu, phục hồi ngành du lịch thành phố. Lý do là tiêu chí “điểm đến an toàn” sẽ là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của du khách sau dịch.

Để xây dựng điểm đến an toàn, ngay từ bây giờ, nhiều địa phương đã yêu cầu các khu, điểm du lịch khi mở cửa trở lại thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Tiêu biểu như tại An Giang, Sở VH-TT-DL tỉnh này đã có công văn yêu cầu các khu du lịch, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi đón khách tham quan. Tiến hành dọn dẹp vệ sinh, phun khử khuẩn các phương tiện dịch vụ; các khu du lịch thực hiện giãn cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc, yêu cầu du khách đến tham quan phải thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc các loại dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang trong suốt quá trình tham quan... 

Tin cùng chuyên mục