Cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm

GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho rằng vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, nhất là khâu thu hoạch và chế biến nông sản. Nhưng có thực tế đáng buồn là không ít sinh viên học ngành cơ khí nông nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ khi ra trường phải chuyển nghề!

Khung pháp lý chưa hoàn chỉnh

Vai trò của ngành nông nghiệp được khẳng định sau 2 lần nền kinh tế thế giới trải qua khủng hoảng năm 1997 và suy thoái năm 2008, lúc đó ngành nông nghiệp là chỗ dựa của nền kinh tế đất nước.

Gắn bó với nền nông nghiệp nước nhà lâu năm, GS-TS Bùi Chí Bửu nhận xét, nông nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ là chỗ dựa nền tảng cho công nghiệp và dịch vụ phát triển, nhưng công nghiệp lại chưa trở thành đầu tàu kéo nông nghiệp đi lên như quy luật chung của các nền kinh tế khác, khi không cung cấp đủ máy móc thiết bị… cho nông nghiệp.

Cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm ảnh 1 Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập. Ảnh: THANH HẢI
Tại hội thảo “Cơ khí nông nghiệp thông minh cho vùng ĐBSCL” do UBND TPHCM phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức mới đây, TS Trần Anh Sơn, Phó trưởng Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết các mô hình nuôi trồng và sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế.

Với cây lúa, phần lớn người dân phải chấp nhận sử dụng máy cày, máy kéo đã qua sử dụng, hoạt động không ổn định, tiêu tốn nhiều nhiên liệu, trong khi thiết bị và máy móc nông nghiệp nhập khẩu với giá rất cao. Khâu thu hoạch lúa làm tổn thất sau thu hoạch ở mức 14% về số lượng và hơn 12% về giá trị thương mại, tương đương khoảng 5 triệu tấn lúa.

Ngành rau quả cũng vậy, trừ những doanh nghiệp (DN) lớn, công nghệ chế biến khá lạc hậu làm ảnh hưởng tới chất lượng trái cây, rau củ quả. Nhiều dây chuyền chế biến chưa đồng bộ, bên cạnh khâu được tự động hóa vẫn còn không ít khâu thao tác bằng thủ công như ngâm rửa, phân loại, gọt vỏ và đóng bao bì; khả năng truy xuất nguồn gốc thấp.

Tương tự với ngành nuôi trồng thủy sản, ĐBSCL có diện tích nuôi trồng lớn cả nước, bên cạnh những thiết bị công nghệ hiện đại của một số DN lớn, đa số trình độ, trang thiết bị sản xuất còn nhiều hạn chế cả khâu nuôi, thu hoạch, chế biến và xử lý môi trường.

PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nêu ý kiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng hàng đầu. Nhưng hiện nay, ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ nông nghiệp trong nước gặp hạn chế cả về số lượng và chất lượng; ngành chế tạo máy móc và thiết bị nông nghiệp trong nước lại vừa yếu vừa thiếu nhân lực.

Ở vùng ĐBSCL, việc thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, do chưa hình thành các chuỗi giá trị nông sản, trong khi chuỗi liên kết chưa chặt chẽ. Đất đai sản xuất manh mún, khu vực này vẫn còn là “vùng trũng” về nhiều mặt, từ giáo dục đến ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống.

Cơ chế phối hợp giữa các địa phương, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng còn nhiều bất cập. Trong khi đó, khung pháp lý ưu đãi về đầu tư công nghệ cho nông nghiệp nói chung, nhất là công nghệ cao chưa hoàn chỉnh, nên DN e ngại khi đầu tư.

Vai trò của TPHCM

Thời gian qua, nông nghiệp cả nước tăng trưởng hầu như dựa vào việc mở rộng sản xuất hoặc tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác cũng như sử dụng khá nhiều phân bón và các hóa chất, gây ảnh hưởng đến đất đai và nguồn nước. ĐBSCL gần như không còn dư địa để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp và nâng cao năng suất với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay.

Do vậy, để đáp ứng phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp cho ĐBSCL cần ứng dụng các tiến bộ khoa học; trong đó, cơ bản nhất là cơ giới hóa vào quá trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra sự đa dạng về chủng loại, mặt hàng sản phẩm, tận dụng và chuyển đổi tối đa nguồn phụ phẩm trong quá trình sản xuất giúp nâng cao chuỗi giá trị.

Đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, đánh giá TPHCM và các tỉnh khu vực ĐBSCL có mối gắn kết chặt chẽ khi TP là thị trường tiêu thụ nông sản trực tiếp và lớn nhất.

Với hệ thống các viện, trường đại học và đội ngũ khoa học hùng hậu, TPHCM còn là nơi cung cấp các giải pháp công nghệ, hậu cần kỹ thuật và công cụ sản xuất. Vì vậy, cần khai thác thế mạnh, sự liên kết giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL để xây dựng ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ cho cả khu vực.

Ông Nguyễn Thế Hà, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Cơ khí Bùi Văn Ngọ, khẳng định TPHCM là cái nôi phát triển công nghiệp cơ khí phía Nam. Do đô thị hóa nhanh, TPHCM chuyển sang tập trung phát triển thương mại và dịch vụ nên các DN cơ khí cần mặt bằng rộng đã chuyển ra các tỉnh xung quanh, nhưng văn phòng đại diện, giao dịch thương mại, cung ứng vật tư vẫn ở TPHCM.

Tuy nhiên, các DN cơ khí có tiềm lực về khoa học - công nghệ, vốn, nguồn nhân lực với quy mô sản xuất lớn, suốt thời gian dài chưa thể phát huy vai trò và thế mạnh của các DN dẫn đầu trong việc hỗ trợ cơ khí nông nghiệp. Chỉ một khi tổ chức liên kết nội bộ DN cơ khí cả nước trong Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI), với thế mạnh của DN cơ khí TPHCM, mới tạo động lực chủ động trong việc cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp để giữ thị phần cơ khí ở ĐBSCL.

Liên kết, phân công trong sản xuất của VAMI cùng với viện, trường ở TPHCM và ĐBSCL sẽ tạo ra nguồn lực mới trong nghiên cứu và ứng dụng, tổ chức sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm thích nghi, hiệu quả, hiện đại. Qua đó, tạo ra bước đột phá mới trong việc cơ giới hóa ĐBSCL.

Liên kết DN, viện, trường ở TPHCM với các địa phương ĐBSCL đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ cho ĐBSCL là những nhân tố quyết định.

Tin cùng chuyên mục