Cô giáo tâm huyết với sáng tạo, đổi mới

Năng động, sáng tạo, có tầm nhìn để góp phần đổi mới giáo dục, tạo hiệu suất đào tạo cao nhất có thể, vị hiệu trưởng này đi đến đâu cũng để lại dấu ấn đẹp trong lòng đồng nghiệp, học trò . Đó là cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11, TPHCM).

Đưa mô hình tiên tiến đến học sinh  

Lần nào gặp cô Nguyễn Thị Kim Hương, chúng tôi cũng đều thấy cô tất bật với các hoạt động chuyên môn lẫn phong trào. Cô luôn hòa vào giáo viên để mày mò cách dạy mới, khi thì sáng tạo các loại công cụ học tập cho học sinh, rồi tập luyện văn nghệ, thể thao… Cô đã khởi xướng nhiều sân chơi sáng tạo để phát huy sở trường, năng khiếu của từng học trò. Để học sinh “nhí” thích đi học và coi ngôi trường như nhà mình, cô hiệu trưởng luôn trăn trở, tìm tòi ý tưởng mới nhằm tạo ra sự khác lạ từ góc sân, lớp học đến thư viện, để học sinh thỏa thích niềm vui chơi rèn luyện, trải nghiệm bổ ích từ các sân chơi sáng tạo, nhất là Câu lạc bộ Robotics (khoa học robot). 

Cô giáo tâm huyết với sáng tạo, đổi mới ảnh 1 Cô Nguyễn Thị Kim Hương và học sinh Trường Tiểu học Lạc Long Quân
Cô Hương chia sẻ, quan sát học sinh trong trường khi tham gia các câu lạc bộ, nhà trường nhận thấy các em rất say mê nghiên cứu khoa học, rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm, phát biểu trước đám đông. Do vậy, câu lạc bộ hình thành với mong muốn giúp các em nhanh chóng được tiếp cận phương pháp học mới nhất và tiên tiến của thế giới, đó là phương pháp 4C (connection - contruck - contemplate - continue). Phương pháp học đi đôi với thực hành giúp học sinh dễ dàng ứng dụng những môn học như Toán, Tin học, Tiếng Anh vào thực tế, được trải nghiệm lý thuyết của môn học thông qua các phương pháp lắp ráp, lập trình robot thông minh, được thử nghiệm và sửa sai ngay sau khi thực hành.

Chính nhờ mô hình Câu lạc bộ Robotics mà Trường Tiểu học Lạc Long Quân đã kích thích học sinh của mình thêm năng động, sáng tạo trong học tập. “Quả ngọt” gặt hái được là học sinh của trường đoạt 3/5 giải Robotics bậc tiểu học toàn thành phố năm 2015. Đặc biệt, tại cuộc thi Khoa học Ứng dụng quốc tế First Lego League (FLL) năm 2018 tổ chức tại Houston (Mỹ), đội tuyển liên quân 2 trường tiểu học Lê Ngọc Hân và Lạc Long Quân (TPHCM) đoạt được giải Model Design Award. Đây là cuộc thi lớn nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông và cũng là năm đầu tiên, học sinh Việt Nam có mặt tại cuộc thi FLL Houston.

Sức mạnh tập thể - nền tảng sáng tạo 

Trước khi về nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân (năm 2012), cô Hương làm Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (cũng trên địa bàn quận 11). Dưới sự lãnh đạo điều hành của cô, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh khi đó đã chuyển mình, trở thành ngôi trường có uy tín của quận. 

Về Trường Tiểu học Lạc Long Quân, cô Hương bắt tay “chỉnh trang” lại môi trường sư phạm: Trong giờ học, phụ huynh có thể vào trường bất kỳ lúc nào khi có nhu cầu để trao đổi các vấn đề cần thiết về con em mình với thầy cô, ban giám hiệu. Trong công việc, cô luôn lắng nghe đồng nghiệp. Chính từ những sự trao đổi thân tình thường xuyên giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, không lấy quyền cấp trên ép buộc xuống cấp dưới, nên cô được tập thể nhà trường chia sẻ, ủng hộ.

Có lẽ “nghệ thuật” lãnh đạo mềm mỏng, chan hòa, thân thiện, lắng nghe đã tạo nên sự đoàn kết và thành công của tập thể sư phạm Trường Tiểu học Lạc Long Quân. Tin tưởng, đồng hành với “vị thuyền trưởng” đầy tâm huyết đổi mới của mình, giáo viên, nhân viên của trường đã lăn xả, vượt khó để tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho học sinh. Không dừng ở đó, nhà trường còn dang tay đón nhận nhiều học sinh chậm phát triển, nâng đỡ các em hội nhập bình đẳng với thế giới tuổi thơ của học trò. Với những thành quả trong sự nghiệp trồng người, luôn sáng tạo trong chuyên môn, cô Nguyễn Thị Kim Hương đã nhận nhiều giải thưởng như “Giáo viên sáng tạo công nghệ thông tin” cấp thành phố, “Dự án có sức lan tỏa nhất”; được công nhận “Giáo viên sáng tạo công nghệ thông tin” cấp quốc gia; Giải thưởng Võ Trường Toản… 

Khiêm tốn với những việc làm của mình, cô Hương bày tỏ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Lời Bác Hồ dạy mà tôi và những người làm công tác giáo dục luôn khắc ghi. Vì vậy, dù làm việc ở bất kỳ ngôi trường nào, dù gặp khó khăn đến mấy tôi cũng không bỏ cuộc vì bên tôi còn có chi bộ, ban giám hiệu, hội phụ huynh học sinh. Sức mạnh tập thể đã giúp tôi luôn tìm được lời giải của những vấn đề khó. Đây cũng là nền tảng để tôi mạnh dạn sáng tạo trong công việc”.

Tin cùng chuyên mục