Có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá

Trong nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của ngành Nội vụ đã xác định nhiều nội dung thực hiện, trong đó nhấn mạnh có cơ chế lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không đáp ứng được yêu cầu công việc và vi phạm kỷ luật, đạo đức công vụ.

Theo báo cáo tổng kết công tác giai đoạn 2016 – 2020 của ngành Nội vụ cho thấy, việc sắp xếp tổ chức bộ máy từ trung ương tới địa phương đã giảm được nhiều đơn vị

Đối với bộ, ngành Trung ương: Cấp Vụ và tương đương giảm được 12 tổ chức.

Đối với địa phương: Đã giảm được 5 tổ chức thuộc cơ quan chuyên môn; cấp phòng giảm được 973 tổ chức; chi cục giảm 127 tổ chức; phòng thuộc chi cục giảm 1.179 tổ chức; tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh giảm 12 tổ chức. Đáng chú ý, ở cấp huyện, các cơ quan chuyên môn giảm 294 tổ chức, trong đó có 278 phòng Dân tộc.

Trong 5 năm, đã giảm được gần 4.000 đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong khi đó, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 là hơn 247.000 người, giảm hơn 27.000 biên chế (tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã giảm được hơn 147.000 người.

Bộ Nội vụ cho hay, thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, đã thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố.

Kết quả, ở cấp huyện giảm được 8 đơn vị; cấp xã giảm 557 đơn vị; sắp xếp thôn, tổ dân phố, đã giảm 38.369 tổ dân phố so với năm 2015.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng, toàn diện đến đời sống của nhân dân và hoạt động kinh tế đất nước; do đó, Trung ương đã thống nhất lùi thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới đến ngày 1-7-2022 (kế hoạch trước đó thực hiện từ 1-7-2021).

Năm 2021, Bộ Nội vụ đề ra phương châm hành động "kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Theo đó, sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng; dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật thực hiện dân chủ cơ sở ở xã phường, thị trấn… Bên cạnh đó, sẽ tổng kết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Bộ Nội vụ nhấn mạnh, năm 2021 tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; có cơ chế lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không đáp ứng được yêu cầu công việc và vi phạm kỷ luật, đạo đức công vụ.

Bộ Nội vụ tiếp tục triển khai cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. 

Dự kiến, ngày mai 30-12, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành.

Tin cùng chuyên mục