Cơ chế đặc thù - động lực thúc đẩy TPHCM phát triển: Giám sát phải đi đến tận cùng vấn đề

TPHCM đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (gọi tắt là Nghị quyết 54).
TPHCM đang phát triển trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: CAO THĂNG
TPHCM đang phát triển trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: CAO THĂNG
Việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân TP. Trong việc thực hiện nghị quyết này, một vấn đề được đặt ra là công tác giám sát cần tiến hành như thế nào để Nghị quyết 54 phát huy hiệu quả cao nhất? Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên  (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam).  
Cầu thị tiếp nhận ý kiến cơ quan giám sát 
 PHÓNG VIÊN: Ông nghĩ sao khi có nhiều ý kiến cho rằng, để việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội đạt hiệu quả cao thì ngay lúc này, hoạt động giám sát cũng cần phải được tiến hành? 
Tiến sĩ NGUYỄN HỮU NGUYÊN: Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là một công cụ của Trung ương trao cho TPHCM sử dụng để phát triển TP. Cơ chế, chính sách không mặc nhiên làm cho TP phát triển. Điều quyết định nằm ở năng lực của người sử dụng công cụ chứ không phải ở công cụ. 
Cơ chế đặc thù - động lực thúc đẩy TPHCM phát triển: Giám sát phải đi đến tận cùng vấn đề ảnh 1 Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên 
Trong cơ chế đặc thù ẩn chứa cả cơ hội lẫn thách thức, thậm chí thách thức có thể lớn hơn. Ví dụ, TPHCM quyết định trả mức thu nhập phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc; có chế độ thu hút nhân tài. Đây là chính sách tốt, được thiết kế theo “tiền nào của nấy”. Nhưng có chọn được “của nấy” xứng đáng để “trả tiền” hay không là chuyện khác... Thực tế vẫn có những người tiêu dùng thông thái ra chợ mua hàng giá đắt nhưng sản phẩm kém. Vì vậy, cơ chế đặc thù tự nó chưa phát huy được hiệu quả mà phụ thuộc vào năng lực và trách nhiệm của người sử dụng công cụ này. 
Cứ cho là UBND TPHCM và các cơ quan ban ngành có năng lực để sử dụng công cụ này, vậy vấn đề giám sát, kiểm soát sẽ đóng vai trò thế nào? Các cơ quan và tổ chức giám sát nằm ngoài UBND TP gồm: HĐND, Ủy ban kiểm tra, UBMTTQ và các tổ chức trong MTTQ. Để việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù hiệu quả, tôi cho rằng, điều quan trọng và quyết định nằm ở các cơ quan thực hiện. Còn cơ quan giám sát chỉ có vai trò giúp phát hiện những sai sót và bảo vệ quyền lợi của người dân; đồng thời góp phần phòng ngừa và phát hiện các sai phạm, tham nhũng, lãng phí nếu có. Hoạt động giám sát còn giúp các dự án thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả. 
Những khó khăn nào cần nhận diện trong quá trình giám sát, thưa tiến sĩ?
 Với cơ chế tổ chức hiện nay, việc giám sát nghiêng về tính tham vấn nhiều hơn. Tôi lấy mô hình tổ chức cấp quận làm ví dụ. Theo đó, quận ủy là cơ quan lãnh đạo có quyền lực cao nhất; UBND quận là cơ quan quản lý nhà nước, do một phó bí thư quận ủy làm chủ tịch. Trong khi đó, HĐND quận là cơ quan giám sát, nhiều nơi do một phó bí thư quận ủy làm chủ tịch cơ quan này, có nơi lại do bí thư quận ủy kiêm nhiệm. Còn MTTQ do một quận ủy viên phụ trách; các tổ chức chính trị - xã hội thành viên như công đoàn, đoàn thanh niên… cũng thực hiện chức năng giám sát mang tính xã hội và cũng do một quận ủy viên phụ trách. 
Vậy vai trò giám sát của các tổ chức như công đoàn chẳng hạn, có thể giám sát, kiểm soát cấp trên của mình được không? Cơ chế này từ trước đến nay như thế, nên bây giờ dù chúng ta có nói “tăng cường”, “đẩy mạnh” giám sát thì cũng chỉ “tăng cường”, “đẩy mạnh” trong chức năng của các đơn vị giám sát, chứ không thể vượt ra khỏi cái “áo” chung của cơ chế tổ chức... Như vai trò của HĐND thì chủ tịch HĐND quận cũng là phó bí thư quận ủy, ngang hàng với các phó bí thư khác, trong đó có chủ tịch UBND quận. Song chủ tịch UBND quận có quyền hành pháp cao hơn rất nhiều và các hành vi của hành pháp - như bí mật kinh tế, phương hướng phát triển ngành này ngành kia thuộc chiến lược kinh tế - không phải cái gì người ta cũng nói ra hết. Nên khả năng kiểm soát cao nhất của HĐND quận chủ yếu mang tính tham vấn, tham khảo chứ không có chức năng ra quyết định phủ quyết. Nói cách khác, giữa cơ quan giám sát (HĐND) với cơ quan thực hiện (UBND) không phải là mối quan hệ quyền lực - và tất cả đều do cấp ủy cao hơn quyết định. Do đó, để thực hiện tốt cơ chế đặc thù, tùy thuộc phần nhiều vào tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý, điều hành của UBND và đòi hỏi trách nhiệm tiếp nhận ý kiến của các cơ quan giám sát với tinh thần cầu thị hơn.
Dựa vào dân để sâu sát hơn 
Vậy làm thế nào để giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM?
Không phải bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề này, nhưng có làm chặt chẽ được hay không, lại tùy thuộc vào mối quan hệ cụ thể giữa các cơ quan giám sát với đơn vị được giám sát như trên tôi đã phân tích.
Chất lượng giám sát hiện nay còn nhiều hạn chế. Không ít đoàn công tác của HĐND đến đơn vị được giám sát, nghe báo cáo, đặt một số câu hỏi về một số chi tiết của một sự việc cụ thể... Nhưng trong đoàn giám sát không phải ai cũng nắm và hiểu đúng bản chất của vấn đề, nhất là mối quan hệ rất phức tạp giữa các sự việc nên không thể chỉ ra một cách chính xác những vấn đề tồn tại cần khắc phục và khắc phục bằng cách nào? Có lẽ chưa có khả năng giám sát, kiểm soát về chất lượng thực hiện, ngay cả giám sát các hiện tượng tiêu cực như “đội vốn, thất thoát vốn” cũng hết sức khó khăn. Nếu nói việc giám sát hoàn toàn không có hiệu quả là không đúng. Nhưng rõ ràng kết quả còn quá ít so với thời gian và số lượng của các đoàn giám sát đã làm.
Trong việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, các cơ quan giám sát muốn nâng cao chất lượng cần dựa vào dân để sâu sát hơn. Chẳng hạn, việc TPHCM có cơ chế được tăng một số loại phí, ban đầu nghe vậy thường thấy rằng sẽ thu được nhiều tiền hơn. Nhưng cần đặt câu hỏi: nếu thu được nhiều tiền hơn thì có thể sẽ ảnh hưởng đến những gì? Khi nhiều loại phí chồng lên nhau, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Có thể những người trung lưu trở lên không bị ảnh hưởng nhiều khi phải đóng thêm vài chục ngàn đồng. Nhưng với người nghèo và cận nghèo lại khác, phần đóng thêm đó có thể khiến người đang nghèo sẽ nghèo hơn và người cận nghèo trở thành người nghèo... Và hệ quả là phải tăng thêm quỹ xóa đói giảm nghèo. Như vậy cần phải cân nhắc giữa số tiền thu thêm có mang lại sự phát triển kinh tế - xã hội lớn hơn so với những hệ quả tiêu cực đối với đời sống nhân dân lao động và niềm tin của quần chúng? Vì thế, đòi hỏi người giám sát, đơn vị giám sát cần thực sự sâu sát vấn đề, giám sát trên cơ sở pháp luật và trên cơ sở quyền lợi, đời sống người dân và cần có tinh thần giám sát triệt để. 
Nếu phát hiện ra bất cập, thậm chí tiêu cực, cần đeo bám đến cùng nhằm đảm bảo các khuyến cáo, đề nghị của cơ quan giám sát được giải quyết. Đồng thời, công khai cho người dân biết kết quả xử lý để củng cố niềm tin trong nhân dân vào hiệu quả giám sát nói riêng, hiệu quả thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM nói chung.

Tin cùng chuyên mục