Có biểu hiện của “lợi ích nhóm” ​

Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn tới; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm các sai phạm.
Có biểu hiện của “lợi ích nhóm” ​

Sáng 21-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã báo cáo Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp này.  Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

 Có biểu hiện của “lợi ích nhóm”

Đáng chú ý, về quản lý đất đai, cử tri và cho rằng công tác quản lý đất đai của một số địa phương chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc thu hồi đất thiếu minh bạch; công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất, đầu cơ “đẩy giá” đất tràn lan đang gây bất ổn ở một số địa phương.

Tại các địa phương dự kiến xây dựng đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, có thời điểm đã xảy ra tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất tràn lan, đầu cơ, “đẩy giá” đất gây bất ổn tại địa phương. Nhiều người dân khiếu nại về việc thu hồi đất, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm... Cùng với nạn “cát tặc” chưa được xử lý, cử tri và nhân dân cho rằng, những vụ việc trên xảy ra trong thời gian dài mà không được xử lý triệt để là có dấu hiệu của sự bao che, tiếp tay của một số cán bộ ở địa phương, là biểu hiện của “lợi ích nhóm” và đề nghị cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh.

Về phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí và thực hành tiết kiệm, cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm, không có “vùng cấm”, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức hay cán bộ đã nghỉ hưu.

Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Nhưng cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng lãng phí vẫn xảy ra trong một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, trong quản lý đất công; nhiều “dự án treo”, công trình, dự án lớn chưa đảm bảo chất lượng, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả.

Về kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ,  cử tri và nhân dân mong muốn việc thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế cần có lộ trình, đảm bảo sự đồng bộ, tính khả thi và liên thông trong hệ thống chính trị; cần tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm trước khi thực hiện trong cả nước.  Cử tri ủng hộ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc rà soát, phát hiện và thu hồi các quyết định bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn, đồng thời kỷ luật nghiêm đối với nhiều cán bộ vi phạm.

Tuy nhiên, việc làm trái các quy định về công tác cán bộ, thực hiện bổ nhiệm sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn còn tồn tại ở một số ngành, địa phương. Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn đối với việc kiểm tra, rà soát công tác cán bộ trong cả nước; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, công khai để Nhân dân biết và giám sát.

Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khóa XII) để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn tới; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm các sai phạm.

6 kiến nghị của  Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới Quốc hội, Chính phủ 6 kiến nghị:

- Đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương thể chế hóa và chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, nhất là các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, 6, 7 (Khóa XII) về phát triển kinh tế, tổ chức và cán bộ, về cải cách chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội.

- Có chính sách, cơ chế và chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tăng cường quan tâm tới nông nghiệp, nông dân và nông thôn; mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

- Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách hành chính, giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.

- Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng, lãng phí; tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền các cấp.

 -Nghiêm túc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện nghiêm các quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý để xảy ra cháy, nổ.

 - Với tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, trái phép, chặt phá rừng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và Quốc hội, trong đó đã 6 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, khóa XIV từ năm 2013 đến năm 2017. Nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa được chấm dứt. Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp mạnh mẽ hơn, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương còn để xảy ra vi phạm.

Tin cùng chuyên mục