Chuyến xe chạy thận

LTS: TPHCM trong những ngày căng mình chống dịch, cách ly, phong tỏa nhưng tình người chưa bao giờ chia cắt mà vẫn gần kề, ấm áp bằng những phần ăn, túi gạo hay bó rau… đến kịp lúc bà con mình cần. “Thành phố nghĩa tình, lòng người hào sảng” không phải là câu nói hay thương hiệu để tô hồng cho nhau mà đó chính là cốt cách bao đời của người dân nơi đây. Chuyên mục “Thành phố nghĩa tình” của Báo SGGP sẽ chuyển tải đến bạn đọc các câu chuyện đẹp trong những ngày khó khăn này…

 

Anh Trần Phước Hòa và chiếc xe chở bệnh nhân chạy thận
Anh Trần Phước Hòa và chiếc xe chở bệnh nhân chạy thận

Chiều muộn, anh Trần Phước Hòa (45 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM) lái xe chở một cụ già vừa xong đợt chạy thận nhân tạo từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh ở TP Thủ Đức về huyện Hóc Môn. Hơn một tháng nay, anh dùng xe của mình chở người suy thận mạn ở các khu vực phong tỏa đi chữa trị, không lấy một đồng tiền công.

Những ngày dịch Covid-19 bùng phát, trong những khu phong tỏa, người phải chạy thận lo lắng tìm chỗ chữa bệnh, một số trường hợp diễn biến xấu do không được lọc máu kịp thời. Do đó, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã đưa vào hoạt động khu chạy thận dành riêng cho người ở nơi cách ly, phong tỏa và bệnh nhân là F2. Lúc ngặt nghèo, chi phí thuê xe cứu thương đến bệnh viện cũng là nỗi khó khăn. “Tôi muốn chở giúp nhưng chưa biết cách thức ra sao. Qua giới thiệu, tôi và các bác sĩ ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã kết nối để có chuyến xe 0 đồng từ đầu tháng 6 đến nay”, anh Hòa nói. Sau khi đưa đến bệnh viện, tranh thủ thời gian họ được chữa trị, anh lại chạy đi rước bệnh nhân khác. Từ chuyến đầu tiên ở quận Gò Vấp, rồi Tân Bình, Bình Chánh… hiện nay, mỗi ngày anh chạy mười mấy chuyến, đưa đi rước về khắp thành phố.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít và 2 chiếc điện thoại luôn sẵn sàng, khi người bệnh cần là anh Hòa lên đường dù sáng sớm hay đêm khuya. Anh nói: “Có ngày tôi đưa rước liên tục vì bệnh nhân đông. Họ ở các khu vực có nguy cơ mắc Covid-19 nên phải hạn chế người đi cùng. Trường hợp người bệnh quá nặng, không đi đứng được, người nhà mới đi theo”. Anh kiêm luôn việc hướng dẫn bệnh nhân mặc đồ bảo hộ rồi đưa lên xe, riêng người đau yếu, anh phải ẵm lên băng ca thật cẩn thận. Dọc đường đi, một số người do bệnh tật hành hạ biểu lộ sự đau đớn, lo lắng, anh pha trò động viên để tạo không khí nhẹ nhàng. 

Anh nói: “Giúp được người ta là vui rồi. Bản thân tôi không sợ mắc bệnh, chỉ sợ lỡ có chuyện gì rồi lây nhiễm cho người thân thôi”. Nhắc đến người thân, anh nói đi suốt nên nhớ con gái 5 tuổi. Anh kể, bé thấy cha sửa soạn ra khỏi nhà là hỏi: “Sao ba cứ đi hoài”. Anh phải mua quà bánh “dụ dỗ” để con không nhõng nhẽo, mình cũng yên tâm lên đường. 

Không chỉ chở người chạy thận, anh Hòa còn làm tài xế miễn phí cho những trường hợp đi cấp cứu khác. Do cộng đồng lan tỏa việc tốt của anh nên chừng một tuần nay, anh còn chở giùm sản phụ đi sinh. Cứ thấy cuộc gọi hoặc tin nhắn “chú ơi chở giùm con đi đẻ”, “anh giúp gia đình đưa cháu đi sinh” là anh lại cố gắng thu xếp. Những lúc dư chút thời gian, anh xoay qua chở đồ giúp các nhóm thiện nguyện hoặc phát nhu yếu phẩm cho người ở khu phong tỏa. Anh cũng nhận chở người khó khăn, bệnh nặng hoặc người đã mất về quê. Việc này anh thực hiện mấy năm nay, miễn là khoảng cách không quá xa để có thể về lại thành phố trong đêm, sớm mai lại làm tài xế vui tính trên chuyến xe chạy thận. 

Từ ngày 5-7, anh Hòa tăng cường thêm 2 chiếc xe và huy động thêm 2 tài xế để chở bệnh nhân chạy thận. Lái xe đêm trên đường phố lặng ngắt, niềm vui của anh là gia đình yêu thương đang đợi mình về, là người quen góp tiền xăng dầu duy trì những chuyến xe. Trên hết, anh biết việc mình làm đã giúp được nhiều mảnh đời, qua những tin nhắn chân thành: “Em cảm ơn anh Hòa rất nhiều, anh đã có tấm lòng trợ giúp các bệnh nhân trong mùa dịch này”; “Em là bệnh nhân chạy thận, được anh giúp đỡ, em thay mặt các bệnh nhân nghèo cảm ơn anh nhiều lắm".

Tin cùng chuyên mục