Chuyện tử tế màu xanh

Sau hậu quả từ những trận lũ lụt ở miền Trung, câu chuyện trồng rừng lại càng lan tỏa mạnh mẽ bằng những hành động thực tế. Nhiều bạn trẻ trên khắp cả nước bắt đầu một chiến dịch cùng chung tay gieo những mầm xanh.
Nhóm bạn trẻ của chương trình “Hạnh Phúc Xanh” trồng rừng ngập mặn
Nhóm bạn trẻ của chương trình “Hạnh Phúc Xanh” trồng rừng ngập mặn

Bắt đầu từ chuyện quanh mình

“Bọn mình sắp quay lại kiểm tra rừng thông non, xem cây ổn định chưa nè”, Nguyễn Anh Đào (họa sĩ, ngụ quận 1) hào hứng kể, khi chúng tôi hỏi về chuyến đi trồng 3.000 cây thông tại Đà Lạt của Đào cùng nhóm bạn. 

“Sau chuyến trồng rừng thông tại Đà Lạt vào tháng 10 vừa qua, dự kiến ngày 21-11, nhóm sẽ trở lại thăm và kiểm tra rừng thông non, sau đó lên kế hoạch trồng rừng ở những điểm khác”, Anh Đào chia sẻ. Bên cạnh đó, tại TPHCM, Anh Đào cũng tổ chức chương trình “Đổi sách lấy cây xanh” định kỳ mỗi tháng một lần, tại hai quán cà phê: Tiệm sách Sài Gòn Năm Xưa (50 Nguyễn Khắc Nhu, quận 1) và Tiệm sách xưa Momo (246 Bắc Hải, phường 6, quận Tân Bình). 

Nói về lý do để thành lập và duy trì hoạt động đổi sách này, Anh Đào cho biết: “Tôi và nhóm bạn yêu thiên nhiên, ưa thích trồng cây quanh nhà lâu rồi, nên muốn chung tay để cùng lan tỏa đến mọi người, vì chỉ cần một góc nhà hay một khoảng sân thượng xanh rì cây lá, sẽ giúp mọi người thư giãn rất nhiều sau một ngày làm việc, học tập. Yêu thiên nhiên, cây cỏ quanh mình trước thì mới có thể nghĩ đến chuyện trồng rừng, ươm mầm xanh ở những nơi xa. Còn sách là một cách để chúng ta nuôi dưỡng tâm hồn, nên nhóm quyết định tổ chức chương trình đổi sách lấy cây xanh”. 

Trước mắt, Anh Đào và nhóm bạn bỏ tiền túi, thỉnh thoảng có một thành viên ươm cây rồi đem tới tặng nhóm. “Tôi có vài người bạn đang ươm thêm cây trên các sân thượng nhà riêng để dành tặng chương trình đổi sách lấy cây xanh. Có vài bạn chỉ xin cây không đổi sách, họ lặng lẽ đem cây về chăm sóc, nhân giống lên rồi tặng lại tụi mình. Đó là niềm hạnh phúc nhất đối với mình khi nhận lại những chậu cây con xanh mơn mởn”, Anh Đào kể thêm.

Màu xanh từ mạng xã hội

Vài ngày qua, hashtag #TrieuCayVuonCaoChoVietNamXanh đang “phủ xanh” mạng xã hội với hình ảnh về cây xanh, trồng cây gây rừng được nhiều người nổi tiếng hưởng ứng và đông đảo bạn trẻ tham gia. Đây là chiến dịch nằm trong khuôn khổ của Quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam do Bộ TN-MT khởi xướng, chính thức bắt đầu năm 2012 đến nay.

Dọn dẹp lại bàn làm việc tại nhà, đặt chậu cây dương xỉ xanh mướt một góc và bắt đầu chia sẻ hình ảnh cùng hashtag lên mạng xã hội, Nguyễn Hồng Thy (27 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, ngụ quận 7) kể: “Bên cạnh công việc chính, tôi còn quản lý vài nhóm trên mạng xã hội cũng gần 10.000 thành viên tham gia. Tôi chia sẻ lên đây để mọi người cùng hưởng ứng việc gieo mầm xanh, không cần phải là việc quá lớn lao, việc ươm mầm xanh phải bắt đầu từ chính nơi chúng ta ở, làm việc, học tập mỗi ngày trước, từ đó sẽ lan tỏa và nhiều người cùng cộng hưởng với nhau sẽ thành một màu xanh khắp thành phố, đất nước”.

Bên cạnh những hashtag lan tỏa, Fanpage “Hạnh Phúc Xanh” thu hút hơn 20.000 lượt theo dõi, với chiến dịch chung tay trồng rừng ngập mặn được nhiều bạn trẻ ủng hộ. Vừa hoàn tất mẫu đăng ký làm tình nguyện viên trồng rừng, Hữu Anh (sinh viên năm 2 Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM) chia sẻ: “Em tham gia chương trình vì thích trồng cây, gần như hội nhóm nào nói về chủ đề cây xanh trên mạng xã hội, em cũng tham gia. Trồng cây gây rừng, giữ đất là một việc rất ý nghĩa, không chỉ giúp cho chúng ta có không khí trong lành trước mắt mà còn nhiều lợi ích ở tương lai sau này”.

Làm tình nguyện viên tham gia trồng rừng cùng nhóm Hạnh Phúc Xanh gần 2 năm nay, Trần Ngân Giang (28 tuổi, nhân viên quảng cáo, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ: “Nói trồng rừng nghe lớn lao nhưng thật ra là ươm những mầm xanh cho chính cuộc sống của chúng ta thôi, vì có cây xanh, có rừng thì mới có không khí sạch, hạn chế xói mòn, sạt lở... Chương trình nào tổ chức, có thời gian là tôi tham gia ngay, còn ngày thường tôi cũng trồng cây xanh ở vài góc nhỏ trong công ty, quanh nhà và rủ hàng xóm cùng tham gia”.

“Sống xanh” hay trồng cây gây rừng không đơn thuần là một trào lưu trên mạng xã hội hay khẩu hiệu hô hào một cách qua loa. Thay vì tham gia những việc làm vô bổ, nhiều bạn trẻ cùng chung tay giữ gìn màu xanh cho cuộc sống, từ những việc rất đỗi bình thường.

Từ năm 2018, chương trình Hạnh Phúc Xanh đã khởi động nghiên cứu và thử nghiệm các hình thức trồng cây chức năng tại Hội An và Sóc Trăng, mở rộng đến các tỉnh miền Tây Nam bộ trong các năm tiếp theo. Năm 2018, chương trình đã trồng 5.130 cây phi lao chắn sóng tại bờ biển Cửa Đại và 10.000 cây bần chua tại Cù Lao Dung, Sóc Trăng cùng với rất nhiều hỗ trợ, đóng góp của cộng đồng nói chung và các doanh nghiệp. Trong năm nay, dự án “Forest Symphony - Giao hưởng rừng xanh” cũng được khởi động, trồng rừng ngập mặn tại Sóc Trăng với 50ha trong vòng 5 năm (2020- 2025).

Tin cùng chuyên mục