Chuyện thoát nghèo ở Sóc Trăng

Bằng cách nhân rộng những mô hình thoát nghèo thiết thực, kịp thời hỗ trợ nhu cầu bức xúc về nhà ở cho hộ nghèo, những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,40%.
Chị Trần Thị Mỹ Huệ (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) nuôi dê từ nguồn vốn vay hỗ trợ thoát nghèo
Chị Trần Thị Mỹ Huệ (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) nuôi dê từ nguồn vốn vay hỗ trợ thoát nghèo

Nhiều mô hình thoát nghèo thiết thực

Nhìn đàn bò 6 con to khỏe, mập mạp của hộ gia đình anh Trần Minh Dạng (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) nhiều hàng xóm của anh phải trầm trồ. Tổng giá trị đàn bò hiện đã đạt trên 100 triệu đồng, đây là số tài sản lớn nhất mà vợ chồng anh Trần Minh Dạng từng có. Chủ nhân của đàn bò chia sẻ: ‘‘Gia đình tui thuộc diện hộ nghèo trong nhiều năm liền, lại có đến 4 người con đang tuổi ăn tuổi học, nên cuộc sống luôn khó khăn, túng thiếu. Với khoản vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, tui đã quyết định mua 3 con bò giống về nuôi. Việc nuôi bò đơn giản, chỉ cần bỏ công chăn dắt, cắt cỏ chứ không phải bỏ thêm vốn liếng gì. Sau hơn 1 năm, đàn bò đã tăng lên 6 con, lứa bò mẹ trước đó cũng chuẩn bị sinh thêm 2 con nữa’’. Với số bò trên, gia đình anh Dạng hiện đã có thể hoàn lại vốn vay trước đó, đồng thời phát triển đàn bò ở những lứa tiếp theo. Cuộc sống gia đình anh nhờ đó đã dần ổn định, không còn khó khăn như trước. 

Còn gia đình chị Trần Thị Mỹ Huệ (ngụ xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) trước đây là một hộ nghèo, không đất sản xuất, 2 vợ chồng chị vất vả làm thuê, làm mướn nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Từ khi có nguồn vốn vay 29 triệu đồng hỗ trợ thoát nghèo, chị đã mạnh dạn mua 4 con dê giống về nuôi (3 con đực, 1 con cái). Chỉ sau 1 năm chăm sóc, số dê trong đàn đã tăng lên 18 con, trung bình mỗi tháng chị thu về khoảng 4 triệu đồng từ nguồn dê giống và dê thịt. Chị Huệ chia sẻ, nuôi dê chủ yếu bỏ công để lấy đồng lời, tranh thủ những lúc rảnh rỗi đi cắt cỏ về cho dê ăn chứ không tốn kém thêm chi phí gì, nếu chịu khó sẽ đem về nguồn thu nhập khá ổn định. Ngoài chăm sóc dê, vẫn có thể buôn bán nhỏ, cộng với thu nhập từ việc đi làm thuê của chồng, cuộc sống gia đình dần sung túc hơn, 2 đứa nhỏ cũng được học hành đàng hoàng.

Ông Dương Đình Lạng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng, cho biết, nhằm giúp các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn có nguồn vốn phát triển sản xuất, thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều chương trình cho vay vốn ưu đãi. Trong đó, tập trung đến các mô hình kinh tế giảm nghèo thiết thực, bền vững, ưu tiên những hộ gia đình chí thú làm ăn. Cụ thể, năm 2018, ngân hàng đã phát vay vốn tín dụng ưu đãi cho 23.396 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với số tiền 401,36 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ đã có thể đầu tư sản xuất, mua con giống, thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. 

Giúp người nghèo an cư lập nghiệp

Theo kết quả điều tra, tính đến cuối năm 2018, tỉnh Sóc Trăng có 11.440 hộ thoát nghèo, 9.324 hộ thoát cận nghèo, hiện số hộ nghèo chỉ còn 27.154 hộ (giảm xuống chỉ còn 8,4%). Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer là 13.013 hộ (chiếm tỷ lệ 12,98%, giảm 4,97%).

Công tác hỗ trợ nhà ở đối với những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn luôn được các ngành, các cấp tỉnh Sóc Trăng quan tâm. Với phương châm “lá lành đùm lá rách” và “giúp người nghèo an cư lập nghiệp”, hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ kịp thời nhu cầu bức xúc về nhà ở của hàng trăm hộ dân. Với nguồn quỹ “Vì người nghèo” trên 34 tỷ đồng từ sự đóng góp của cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân, nhà hảo tâm, năm 2018 mặt trận các cấp tỉnh Sóc Trăng đã triển khai xây dựng 768 căn nhà “Đại đoàn kết”. Qua đó, đã hỗ trợ kịp thời nhà ở cho những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tạo động lực lớn giúp họ yên tâm lao động sản xuất, chí thú làm ăn vươn lên thoát nghèo. 

Bà Hồ Thị Thơm (ngụ ấp khu 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên) nhận được hỗ trợ xây nhà, phấn khởi chia sẻ: ‘‘Nguồn thu nhập của gia đình tui trước đây chủ yếu bằng việc làm thuê, cật lực lắm cũng chỉ lo được cái ăn. Từ khi Nhà nước hỗ trợ xây nhà, gia đình tui phấn khởi lắm. Hiện cả nhà không phải lo chỗ ở nữa, mà chỉ tập trung đi làm để phát triển kinh tế, chi tiêu tiết kiệm cũng tích lũy được một ít nên cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều’’.

Bên cạnh các hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm đã phát huy được hiệu quả tích cực. Năm 2018, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 28.818 lao động (vượt 10,83% kế hoạch, tăng 1,15% so với năm 2017). Trong đó, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 400 người (đạt 100% kế hoạch) và cung ứng 1.085 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo có được việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo. 

Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, năm 2019 tỉnh tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 6% (tương đương 8.000 hộ). Để đạt mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, trong đó ưu tiên các địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Đồng thời, tập trung cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo khó khăn về nhà ở...

Tin cùng chuyên mục