Chuyện lạ: Xe mua bảo hiểm vi phạm nhiều lần, Công ty bảo hiểm “bỏ chạy”

Mới đây, Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) tại TPHCM gởi văn bản cho khách hàng thông báo chấm dứt hợp đồng vì lý do xe được bảo hiểm xảy ra tai nạn nhiều lần, gây xôn xao dư luận.

Cụ thể, ngày 24-10-2022, Công ty Bảo hiểm BSH gởi văn bản số 50/2022/TB/BSH-TPHCM về việc: Thông báo chấm dứt hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng Hồng Thanh Thương (ở Tây Ninh) với lý do “Người được bảo hiểm không kiểm soát được nguồn rủi ro cao độ là xe ô tô trong thời gian ngắn liên tục để xảy ra các sự kiện dẫn đến tổn thất nặng cho đối tượng bảo hiểm, như sau: Ngày 22-5 tổn thất được ghi nhận với số tiền 9,7 triệu đồng; ngày 29-6 tổn thất 11,6 triệu đồng và ngày 26-9 tổn thất 5 triệu đồng”.

Được biết, khách hàng Hồng Thanh Thương ký hợp đồng mua bảo hiểm xe ôtô với Công ty BSH thời hạn 1 năm, kể từ 31-3-2022 đến 31-3-2023 và đã nộp phí bảo hiểm đầy đủ. Thế nhưng trong 6 tháng đầu của thời hạn hợp đồng, sau khi xe xảy ra sự kiện bảo hiểm 3 lần thì công ty Bảo hiểm thông báo dừng bảo hiểm và trả lại tiền phí bảo hiểm những tháng còn lại.

Phía khách hàng bức xúc cho rằng, bản chất của bảo hiểm là gánh chịu rủi ro, giờ khách hàng gặp rủi ro thì công ty bảo hiểm lại “bỏ chạy”, đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Cụ thể, theo điều khoản của hợp đồng thì một bên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bên kia vi phạm hợp đồng. “Tôi đã nộp phí đầy đủ, đúng quy định, không vi phạm điều khoản trong hợp đồng thì công ty không có cơ sở để chấm dứt hợp đồng trước hạn”- khách hàng nói.

Về quy định pháp luật bảo hiểm, Luật sư Nguyễn Sỹ Thắng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, quy định tại Điều 10, Điều 11 Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì chỉ có 3 căn cứ để chấm dứt hợp đồng bảo hiểm là: (1) xe bị thu hồi giấy chứng nhận, biển số; (2) chủ xe không thanh toán phí; (3) có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở tính phí bảo hiểm dẫn đến tăng, giảm các rủi ro được bảo hiểm. Như vậy, chỉ khi có sự thay đổi “những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm”, dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm, nhưng bên mua bảo hiểm không chấp nhận tăng phí bảo thì mới đơn phương chấm dứt hợp đồng. Quy tắc bảo hiểm xe ô tô đều căn cứ trên quy định này.

Như vậy, ở trường hợp này, không có cơ sở tính phí bảo hiểm nào thay đổi cả. Việc xảy ra sự kiện bảo hiểm nằm trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu bên công ty bảo hiểm chứng minh rằng khách hàng cố tình gây ra sự kiện bảo hiểm để trục lợi hoặc người lái xe có vi phạm (sử dụng chất kích thích, có nồng độ cồn…) thì xác định không đủ điều kiện được bảo hiểm chứ không được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi khách hàng xảy ra nhiều sự kiện bảo hiểm.

Tin cùng chuyên mục