Chuyện lạ có thật

Ngày 27-10-2020 là một ngày lạ đời, khi cùng một lúc hai hiệp hội nước mắm được thành lập: Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam và Hiệp hội Nước mắm Việt Nam.
Sản xuất nước mắm truyền thống tại một cơ sở ở Phú Quốc
Sản xuất nước mắm truyền thống tại một cơ sở ở Phú Quốc

Cứ tưởng, đã là nước mắm Việt Nam thì tất nhiên phải theo truyền thống cha ông để lại, và chỉ có nước mắm theo truyền thống mà cha ông để lại thì mới được gọi là nước mắm Việt Nam. Nếu cứ tưởng như vậy trong trường hợp này, thì bạn đã bị... “nhầm”!

Về bản chất, nước mắm truyền thống Việt Nam và nước mắm Việt Nam là hai thứ nước khác nhau. Trong đó, chỉ có nước nắm truyền thống Việt Nam mới theo truyền thống cha ông để lại. Còn nước mắm Việt Nam được làm từ chất tạo ngọt, nước muối, chất làm dày và truyền thống mà cha ông để lại chỉ là một “phần gia vị” được thêm vào; có một chút truyền thống, nhưng thứ truyền thống này đã bị... pha rất loãng. Vấn đề là toàn bộ sự tinh tế như vậy ít người tiêu dùng nào biết được. Với tên gọi mới “Nước mắm Việt Nam”, sự nhầm lẫn của người tiêu dùng càng dễ xảy ra hơn.

Hai hiệp hội nước mắm được thành lập trong một ngày quả thật là một “sự đa dạng sinh học” rất hiếm thấy trên thế giới. Nó cho thấy sức mạnh của các lợi ích khác nhau trong xã hội to lớn biết nhường nào! Và khả năng các lợi ích này tác động lên chính sách cũng to lớn không kém. Vấn đề đặt ra là: cho dù các lợi ích khác nhau, thì chúng vẫn phải cạnh tranh một cách bình đẳng. Cho phép những người sản xuất nước mắm công nghiệp mang tên Hiệp hội Nước mắm Việt Nam rất tiếc đã không tạo ra được sự bình đẳng đó. Trong khi nước mắm truyền thống phải ướp cá biển với muối từ 1-2 năm mới cho ra sản phẩm, thì nước mắm công nghiệp chỉ cần pha chế ngay các hóa chất với muối và các thành phần cần thiết khác là xong. Với một quy trình công nghệ như vậy, nước mắm truyền thống không thể cạnh tranh với nước mắm công nghiệp về giá thành sản phẩm. Ưu thế duy nhất để cạnh tranh của nước mắm truyền thống chính là sự nhận biết của người tiêu dùng qua tên gọi. Tuy nhiên, với sự cho phép thành lập hai hiệp hội sản xuất nước mắm với tên gọi nhập nhèm như đã nói ở trên, rủi ro là ưu thế về sự nhận biết của người tiêu dùng cũng có thể hoàn toàn bị vô hiệu hóa.

Tại sao các cơ quan chức năng lại cho phép một sự bất hợp lý, một chuyện lạ đời như vậy mà vẫn xảy ra? Rõ ràng, những quyết sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nước mắm công nghiệp trong cuộc cạnh tranh với nước mắm truyền thống, không sớm thì muộn sẽ giết chết một trong những sản phẩm mang bản sắc văn hóa ẩm thực đặc sắc nhất của người Việt chúng ta.

Tin cùng chuyên mục