Chuyển giá qua… lãi suất

Chuyện chống chuyển giá ở các tập đoàn kinh tế, các công ty đa quốc gia đã trở thành vấn đề “đau đầu” đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao. Các tập đoàn đa quốc gia thường đặt công ty “mẹ” ở những nơi có thuế suất thấp, rồi bán hàng cho các công ty con ở các quốc gia có thuế suất cao với giá mắc, nhằm giảm lợi nhuận hoặc tạo lỗ cho công ty con, với mục đích né thuế.

Thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Coca Cola, Cash & Metro, Pou Yuen Việt Nam… thời gian dài không nộp thuế vì không có lãi! Nhờ báo chí lên tiếng và nhà nước ban hành nhiều chính sách chống chuyển giá, như ấn định giá, liên kết quốc tế trong chống chuyển giá, nên một số công ty đã chuyển từ lỗ sang… lãi nhẹ! Tuy vậy, bản chất vấn đề “lậu thuế” không những không giảm mà còn chuyển đổi và lan rộng. Không chỉ công ty nước ngoài, mà những công ty trong nước cũng liên kết chuyển giá, tạo ra nhiều công ty lỗ, rồi tập trung xây dựng một công ty lãi “đẹp” để lên sàn, hốt vốn từ dân, rồi trở lại “điệp khúc”: lỗ! Một số cá nhân sau khi mua được cổ phần ngân hàng, doanh nghiệp thì lập công ty, vẽ dự án vay vốn để tiếp tục mua thêm cổ phiếu, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu để kiếm chân trong hội đồng quản trị nhằm trục lợi.

Trước làn sóng thu hút đầu tư mạnh mẽ của Việt Nam, không ít công ty nước ngoài còn chuyển giá qua lãi suất. Chúng ta kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với mong muốn tăng nguồn vốn cho quốc gia, thế nhưng, “cách chơi” của một số tập đoàn hiện nay lại làm tăng nợ quốc gia. Chẳng hạn, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhưng không bỏ vốn mà thành lập công ty con tại Việt Nam, rồi vay vốn của công ty mẹ ở nước ngoài với lãi suất cao; trong khi công ty mẹ vay vốn ở nước ngoài chỉ 1%-2%/năm nhưng lại cho công ty con tại Việt Nam vay với lãi suất 9%-10% để đầu tư mới hoặc đầu tư mua cổ phần ở các doanh nghiệp. Như vậy, các tập đoàn không chỉ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất mà còn giảm lời ở Việt Nam để giảm nộp thuế. Kết quả: Nợ công quốc gia tăng.

Ví dụ như việc một tập đoàn nước ngoài gần đây đã bỏ ra hơn 5 tỷ USD để mua trên 53% cổ phần của một công ty lớn trong nước và nắm quyền kiểm soát công ty này. Chưa hết mừng, dư luận đã ngạc nhiên số tiền đó được xác định là nợ quốc gia! Có nghĩa là tập đoàn nước ngoài này lập ra một công ty tại Việt Nam và vay vốn nước ngoài để đầu tư, nắm quyền kiểm soát công ty tiềm năng và lãi lớn của Việt Nam nhưng bằng… vốn vay! Đồng ý kinh doanh phải có vay, nhưng với việc nhiều công ty thành lập công ty đầu tư ở Việt Nam nhưng hoạt động bằng vốn vay trong nước và quốc tế, thì không mang lại giá trị gia tăng cho quốc gia cao.

Do vậy, để chống kiểu sở hữu chéo, kiểu lấy mỡ cá rán cá, dẫn đến nguy cơ cho nền kinh tế, thì bên cạnh các hoạt động chống chuyển giá lâu nay, nhà nước cần có cơ chế kiểm soát nguồn vốn, quy định nguồn vốn sở hữu tối thiểu khi đầu tư. Nếu không, nguy cơ cho nền kinh tế là không tránh khỏi!

Tin cùng chuyên mục