Chuyên gia chỉ ra các thách thức khi thực thi các hiệp định thương mại tự do

Ngày 5-11, Trường Đại học Luật TPHCM và Quỹ Rosa-Luxemburg-Stiftung-Southeast Asia tổ chức hội thảo quốc tế “Thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam: Những thách thức trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ”.

Hội thảo tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước, diễn ra với 3 phiên thảo luận về vấn đề lao động, bảo vệ môi trường và sở hữu trí tuệ trong thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Chuyên gia chỉ ra các thách thức khi thực thi các hiệp định thương mại tự do ảnh 1 Quang cảnh hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, cho biết, hội thảo phân tích sâu về việc thực thi các quy định cụ thể về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ theo quy định của các hiệp định FTA chiến lược của Việt Nam.

Với mảng lao động, các chuyên gia bàn sâu 4 tiêu chuẩn lao động quốc tế được lồng ghép trong hiệp định EVFTA và CPTPP, FTA giữa EAEU-VN, hiệp định FTA Việt Nam – Anh và bàn sâu về vấn đề lao động cưỡng bức, lao động trẻ em.

Ở mảng môi trường, các chuyên gia tập trung vào các vấn đề kỹ thuật liên quan chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Cùng với đó là các vấn đề xung quanh việc xây dựng khung pháp lý cho mua bán khí thải nhà kính (GHG), đánh bắt cá ngoài biển làm và làm sao để tránh các án phạt của EU.

Ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ, PGS.TS Trần Hoàng Hải cho biết, các ý kiến thảo luận tại hội thảo sẽ đóng góp cho công tác sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang được bàn bạc tại Quốc hội.

Chuyên gia chỉ ra các thách thức khi thực thi các hiệp định thương mại tự do ảnh 2 PGS.TS Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Việt Dũng, Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TPHCM trình bày tham luận “Vấn đề thực hiện các cam kết về môi trường và lao động từ các hiệp định thương mại chiến lược của Việt Nam thời kỳ hậu gia nhập WTO”.

Theo PGS.TS Trần Việt Dũng, khi thực thi EVFTA và CPTPP, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ điều kiện nội tại của quốc gia và cả về mặt đối ngoại.

Cụ thể, bên cạnh khung pháp lý chưa đầy đủ, chi tiết thì hiện tại, Việt Nam chưa có các biện pháp chế tài và thực thi pháp luật hiệu quả. Các chế tài về hành chính, hình sự và dân sự nói chung về bảo vệ môi trường ở Việt Nam chưa đầy đủ và có sức răn đe.

Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang bị EU gắn “thẻ vàng” do vi phạm về quy định chống đánh bắt IUU (Chống đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Nguyên nhân khiến Việt Nam vẫn chưa được gỡ “thẻ vàng” một phần vì các quy định của pháp luật chưa hiệu quả, một phần vì quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước cũng như việc tuân thủ của người dân.

Do đó, mặc dù Việt Nam có hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung hay bảo vệ đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu nói riêng thì vẫn sẽ có khả năng không tuân thủ cam kết theo EVFTA, CPTPP.

Chuyên gia chỉ ra các thách thức khi thực thi các hiệp định thương mại tự do ảnh 3 Các đại biểu tham dự hội thảo

PGS.TS Trần Việt Dũng cũng đánh giá, mặc dù Việt Nam đã có các khung pháp lý về bảo vệ môi trường nhưng trong thực tế chưa được chủ thể pháp luật quốc gia áp dụng triệt để, tuân thủ nghiêm ngặt. Vì vậy mà các hành vi vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng vẫn diễn ra và để lại hậu quả to lớn, ví dụ Formosa Hà Tĩnh… Điều này sẽ đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của các chủ thể trong đời sống xã hội. Đây là điều kiện tiên quyết quyết định sự thành công hay thất bại của các chính sách, pháp luật môi trường.

Ở lĩnh vực lao động, PGS. TS Trần Việt Dũng cho hay, trong quan hệ quốc tế, tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được đề cập để chỉ đến những tiêu chuẩn lao động được quốc tế thừa nhận hay các nguyên tắc và quyền cơ bản. Nhìn nhận một cách tổng quan, Việc Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc thực thi bốn tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Trong đó, có thách thức về tái cơ cấu hệ thống công đoàn lao động. Với CPTPP, EVFTA hay UKVFTA, Việt Nam sẽ cần bảo đảm sự hình thành của các tổ chức đại diện người lao động độc lập ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Các tổ chức này phải được phép hoạt động trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Thay đổi này là một thách thức lớn, không chỉ nằm ở việc hình thành khung chính sách, pháp luật mà còn đòi hỏi sự thay đổi của chính bản thân Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Các chuyên gia đã chỉ ra các thách thức ở lĩnh vực lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ trong quá trình thực thi các FTA thế hệ mới 

Trình bày tham luận về FTA của Việt Nam và vấn đề lao động: nhìn nhận từ góc độ chính sách hội nhập, TS. Nguyễn Thị Thu Hiền (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TPHCM), cũng đánh giá, việc thực thi các FTA thế hệ mới không chỉ mang lại những cơ hội lớn mà còn đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam, trong đó có vấn đề thực thi các điều khoản về lao động.

TS. Nguyễn Thị Thu Hiền đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi những quy định và cam kết về vấn đề lao động trong các FTA vẫn còn bộc lộ những tồn tại và hạn chế nhất định, nhất là khi cơ quan thực thi có tư tưởng “đối phó” với việc thực hiện các nghĩa vụ trong FTA và “thụ động” giải quyết các vấn đề khi có phát sinh.

TS. Nguyễn Thị Thu Hiền đề nghị, cần có những thiết chế mới để đáp ứng yêu cầu quản lý và giải quyết tranh chấp lao động, nhất là đình công ở cấp liên doanh nghiệp cũng như chú trọng các thiết chế hoà giải, trọng tài trong lĩnh vực lao động.

 

Trình bày tham luận quy định về phát triển bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học trong CPTPP và EVFTA – thách thức trong đảm bảo thực thi tại Việt Nam, PGS.TS Trần Thăng Long, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường Đại học Luật TPHCM, nhấn mạnh, trở thành thành viên của các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức trong quá trình thực thi nhưng đồng thời đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể hoàn thiện chính sách, quy định về bảo vệ môi trường nói chung và đa dạng sinh học nói riêng.

Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam cần chủ động, tích cực vận dụng các quy định của CPTPP và EVFTA; tăng cường hợp tác quốc tế; chú trọng hoàn thiện cơ chế tham vấn và đánh giá tác động môi trường; nâng cao ý thức, vai trò và trách nhiệm quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học của các cơ quan tại địa phương; thực hiện công khai, minh bạch các quy định, chế tài và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học.

Tin cùng chuyên mục