Chuyện gì đang xảy ra ở Nhà Trắng?

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới nhậm chức được gần 2 năm, nhưng đã không ít lần dư luận Mỹ đồn đoán chuyện chính trường nước này có thể chứng kiến việc chủ nhân Nhà Trắng đang đương nhiệm bị lật đổ.

Ngày 9-9, trả lời hãng tin Reuters, cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon cho rằng, việc “phe đối lập” trong chính phủ Mỹ âm thầm ngáng đường Tổng thống Donald Trump không khác gì một âm mưu đảo chính. Nhận định của ông Bannon được đưa ra trong bối cảnh một bài viết gây tranh cãi được New York Times đăng ngày 5-9 về phe chống đối bí mật trong chính quyền. Theo đó, người viết (chỉ được xác nhận là quan chức cấp cao trong chính phủ Tổng thống Donald Trump) khẳng định có nhiều quyết định của tổng thống đã bị âm thần ngăn cản bởi một số nhân vật trong chính phủ vì họ nhận thấy an ninh quốc gia bị đe dọa. Ông khẳng định sự tồn tại của cái gọi là “chính phủ ngầm” khi có nhiều nhân vật trong nội bộ lãnh đạo của đảng Cộng hòa nghĩ ông Trump không phù hợp với chiếc ghế tổng thống.

Ngay sau khi bài viết trên được đăng tải, ngày 7-9, Tổng thống Donald Trump đề nghị Bộ Tư pháp Mỹ nên điều tra danh tính tác giả bài viết vì đây là một vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Theo nhận định của tổng thống, tác giả có thể có quyền miễn trừ an ninh và từng tham dự các cuộc họp nhạy cảm về Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.
Thực tế, với mối quan hệ “nhạy cảm” với Nga, Tổng thống Donald Trump cũng đã có động thái gây khó hiểu cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Sau khi bất ngờ lên tiếng công nhận kết luận của cơ quan tình báo nước này về sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, ông Donald Trump đã vấp phải những chỉ trích của nhiều nghị sĩ và các chuyên gia địa chính trị. Rất ít những người Cộng hòa công khai ủng hộ sự thể hiện của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ này tại cuộc gặp song phương đầu tiên được đánh giá là mang tính lịch sử với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh ở Phần Lan. Họ cảnh báo, Tổng thống Nga không thể chia sẻ chung các giá trị với nước Mỹ.

Liên quan đến vấn đề, mới ngày 7-9 vừa qua, ông George Papadopoulos - cựu phụ tá chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã bị một tòa án nước này kết án 14 ngày tù giam, 1 năm quản thúc và 200 giờ lao động công ích, đồng thời phải nộp phạt 9.500 USD sau khi nhận tội nói dối các đặc vụ liên bang đang điều tra xem liệu các thành viên của chiến dịch trên có thông đồng với Nga trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 hay không.

Trước diễn biến mới nhất này, Tổng thống Donald Trump cam kết chính quyền Mỹ sẽ làm mọi cách để bảo vệ cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Sở dĩ ông cam kết vậy vì cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ thường được ví như một cuộc trưng cầu dân ý đối với tổng thống đương nhiệm. Cuộc bầu cử này sẽ định dạng 2 năm còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump. Tuy nhiên, hiện quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa ở cả Hạ viện và Thượng viện đang bị lung lay. Số liệu các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đảng Dân chủ đang dẫn trước khoảng 10% điểm, thế dẫn trước lớn nhất của đảng này kể từ đầu năm nay. Vì thế, có nhiều lý do để ông Trump và đảng Cộng hòa của ông đàn lo lắng về cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, những lời bóng gió ám chỉ một cuộc lật đổ có thể chỉ là hành động “rung cây”.

Tin cùng chuyên mục