Chuyển động chính sách Hành động phía Đông

Hội nghị cấp cao Ấn Độ với các nước ASEAN đã khép lại với tuyên bố chung, khẳng định tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ vì lợi ích chung trong nhiều lĩnh vực. 
Thông qua hội nghị có thể thấy rằng, Ấn Độ đã không bỏ lỡ cơ hội gắn kết với một khu vực đang trở thành tâm điểm của thế giới, cũng là khu vực trọng tâm trong chính sách Hành động phía Đông của quốc gia đang bước tới vị thế cường quốc toàn cầu.
Chuyển động chính sách Hành động phía Đông ảnh 1 Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ
 Vai kề vai 
Phát biểu trong bữa tiệc chiêu đãi chào mừng sự kiện 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ- ASEAN, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind khẳng định, Ấn Độ sẵn sàng sát cánh kề vai với các nước ASEAN để thiết lập một kiến trúc khu vực dựa trên nguyên tắc cởi mở, cân bằng và công bằng. Tuyên bố này đã một lần nữa tái khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa hai đối tác quan trọng trong khu vực châu Á.
Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ là hoạt động đỉnh cao khép lại đợt kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ giữa hai bên. Hội nghị được đánh giá là động lực quan trọng đưa quan hệ ASEAN - Ấn Độ phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn. Trong khi đó, việc Ấn Độ lần đầu tiên mời lãnh đạo 10 nước ASEAN tham dự lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa là sự kiện chưa từng có trong lịch sử kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ.
Điều này nói lên vị trí, vai trò quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ, chiếm 10,2% tổng thương mại của Ấn Độ. Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN. 
Giới quan sát cho rằng, chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ phần nào đã mang lại hiệu quả cho quốc gia tỷ dân trong việc tăng cường ảnh hưởng ở khu vực châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, nhằm tạo thế đối trọng với Trung Quốc. Trong những năm qua, khi nhiều cường quốc trên thế giới thực hiện chính sách “xoay trục” sang châu Á, kéo theo những điều chỉnh về đối ngoại đối với châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ đã không chậm chân. Về chính trị - ngoại giao, kể từ năm 1990 đến nay, nhiều nguyên thủ quốc gia của Ấn Độ đã có các chuyến thăm cấp cao đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á vào năm 2003.
Trên lĩnh vực an ninh - quân sự, Ấn Độ đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao ở cấp độ song phương, phổ biến là những cuộc tập trận chung giữa Ấn Độ với các nước thứ hai, các chuyến thăm của tàu chiến nước này tới nhiều nước, hợp tác đào tạo quân nhân hay xuất khẩu vũ khí.
Ở cấp độ đa phương, Ấn Độ tham gia các diễn đàn an ninh và thỏa thuận hợp tác liên quan đến quân sự khu vực. Đến năm 2014, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã quyết định lấy tên Hành động phía Đông thay cho Chính sách hướng Đông được thực thi từ những năm 1990.
Về chính sách, Thủ tướng Modi quan tâm xúc tiến các chương trình kinh tế với các nước Đông Nam Á để thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cũng như thúc đẩy kết nối các điểm thương mại trong khu vực. Điều này sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho khu vực Đông Bắc Ấn Độ. 
Vị trí chiến lược quan trọng 
Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ASEAN đóng vai trò là nơi kết nối giữa Ấn Độ với khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương. Đông Nam Á được xem là láng giềng của Ấn Độ cả trên đất liền và trên biển.
Vào tháng 3 năm nay, Australia sẽ chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt giữa ASEAN và Australia tổ chức tại thành phố Sydney. Hội nghị cấp cao này là một cơ hội lịch sử và chưa từng có để tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Australia với ASEAN, cũng như mang lại những lợi ích kinh tế và an ninh rõ ràng cho Australia. Australia là quốc gia đầu tiên ngoài khu vực thiết lập quan hệ ngoại giao với ASEAN từ năm 1974. Kể từ đó, Australia đã đóng góp đáng kể vào thành công của ASEAN, tổ chức khu vực hiện được đánh giá rất cao, có vai trò dẫn dắt trong các mối quan hệ hợp tác tại châu Á - Thái Bình Dương. Sự thành công của ASEAN trong việc xây dựng các cơ chế hợp tác an ninh, chính trị khu vực cũng mang lại lợi ích, giúp tạo lập môi trường an ninh ổn định xung quanh Australia.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng là cửa ngõ để Đông Nam Á giao lưu với Trung Á, Trung Cận Đông, một vùng có vị trí chiến lược quốc tế và dầu lửa lớn nhất thế giới. Với tổng dân số hai bên lên đến 1,85 tỷ người, chiếm 1/4 dân số thế giới, tổng GDP của cả hai bên dự tính đạt hơn 3.800 tỷ USD. Thị trường, nhu cầu rộng lớn của ASEAN và Ấn Độ, cùng với những tương đồng về địa lý, văn hóa đã thúc đẩy cho quan hệ ASEAN - Ấn Độ phát triển. 
Đối với ASEAN, Ấn Độ là một thị trường lớn, có lực lượng lao động dồi dào, có thế mạnh về công nghệ thông tin và là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi đó, tập trung vào thương mại - dịch vụ với ASEAN sẽ giúp Ấn Độ có cơ hội sử dụng sức mạnh cạnh tranh để trở thành một trung tâm dịch vụ xuất khẩu cho ASEAN.
Quan hệ chặt chẽ với ASEAN thông qua Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ tạo điều kiện giúp Ấn Độ tiến hành các cải cách kinh tế sâu rộng và quan trọng hơn là giúp nước này trở thành một cường quốc kinh tế ở châu Á trong tương lai. Vì thế, từ năm 1991, Ấn Độ đã tích cực theo đuổi mối quan hệ với các nước ASEAN một cách toàn diện. Dù Ấn Độ cho rằng, Hành động phía Đông cũng giống như Chính sách hướng Đông, nhưng nhìn vào thực tế, rõ ràng đây là một bước tiến của Ấn Độ trong việc kết nối với các quốc gia ASEAN.
Trong vòng 25 năm qua, quan hệ giữa hai bên đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực hợp tác, bao gồm chính trị, kinh tế, thương mại và an ninh. Hiện tại có 30 cơ chế hợp tác giữa hai bên. Theo Ban thư ký ASEAN, 21/26 ưu tiên, khoảng 80% Kế hoạch hành động ASEAN - Ấn Độ trong giai đoạn 2016-2018 đang được thực hiện.
Hợp tác chính trị an ninh là một trụ cột chính của quan hệ hai bên khi cả ASEAN và Ấn Độ đang tham gia tích cực vào các khuôn khổ Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Hợp tác Mê Công - sông Hằng (MGC).
Những nỗ lực này đã đóng góp quan trọng cho sự ổn định và phát triển của khu vực. Dòng đầu tư đang tăng nhanh, ASEAN đánh giá cao việc Chính phủ Ấn Độ thành lập quỹ phát triển dự án lên tới 75 triệu USD để hỗ trợ đầu tư Ấn Độ trong các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may.
Trong lĩnh vực kết nối, hỗ trợ của Ấn Độ trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể về kết nối toàn bộ khu vực ASEAN (MPAC), đặc biệt việc Chính phủ Ấn Độ đề xuất khoản tín dụng 1 tỷ USD để cải thiện kết nối số và vật lý giữa Ấn Độ và ASEAN sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển trong khuôn khổ các nước thành viên hiệp hội.
Bên cạnh đó, việc tăng quỹ phát triển công nghệ và khoa học ASEAN - Ấn Độ của Chính phủ Ấn Độ từ 1 triệu USD lên 5 triệu USD đã thúc đẩy tích cực các dự án phát triển tập trung vào sáng kiến trong công nghiệp, đào tạo, các khóa học ngắn hạn cũng như các hoạt động khác cho các nhà nghiên cứu và sinh viên ASEAN.
Sự kết nối giờ đây được mở rộng ở cả 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường biển và đường hàng không. Chính phủ Ấn Độ gần đây đã thông qua dự án nâng cấp tuyến đường kết nối với Myanmar tới Thái Lan và các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Việc xây dựng những con đường này càng trở nên cấp bách khi Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến cơ sở hạ tầng mang tên “Một vành đai, một con đường”, hay còn gọi là con đường tơ lụa mới. Sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng dự kiến sẽ có tổng trị giá hơn nửa ngàn tỷ USD và trải rộng khắp 62 quốc gia.
Mạng lưới đường bộ, đường sắt và kết nối thương mại mà Trung Quốc vạch ra trong kế hoạch con đường tơ lụa đã khiến các đối thủ chiến lược của nước này như Ấn Độ, Nga, Mỹ và Nhật Bản lo ngại. Một trong những điểm gây lo ngại nhất của kế hoạch này nằm ở hành lang kinh tế chạy qua khu vực do Pakistan kiểm soát ở Kashmir - lãnh thổ mà cả Ấn Độ và Pakistan cùng tuyên bố chủ quyền, nơi căng thẳng về biên giới luôn âm ỉ.
Theo nhà nghiên cứu K.Yhome thuộc quỹ Observer Research ở New Delhi, khi Trung Quốc mở một hành lang kinh tế Bắc Nam trong khuôn khổ sáng kiến con đường tơ lụa, thì Ấn Độ cũng phải thiết lập kết nối với các nước láng giềng ở phía Đông để tạo đối trọng. Đây là cũng là kế hoạch trọng tâm nằm trong chính sách Hành động hướng Đông của Thủ tướng Modi.
Một loạt đường bay thẳng đã được mở giữa Ấn Độ với các nước ASEAN như Singapore, Thái Lan và Malaysia và trong tương lai gần sẽ là các đường bay thẳng kết nối Ấn Độ với Indonesia và Việt Nam. Hiện nay giao thương hàng hải đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự kết nối giữa ASEAN và Ấn Độ, khi 40% hàng hóa của Ấn Độ đi qua Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tin cùng chuyên mục