Chuyện đời trên những tầng cao

UBND TPHCM vừa có văn bản về việc di dời khẩn cấp các hộ dân và tháo dỡ chung cư số 440 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5. Chung cư này có tuổi đời khá lâu tại TPHCM, được xây dựng từ trước năm 1975. Theo tiến trình phát triển đô thị, chuyện di dời cũng là lẽ đương nhiên, và hơn hết là vì sự an toàn cấp thiết của người dân.
Một góc chung cư cũ ở quận 5, TPHCM
Một góc chung cư cũ ở quận 5, TPHCM

Chung cư cũ hay chung cư không thang máy khá phổ biến ở TPHCM, theo năm tháng nó như một phần hồn cốt của kiến trúc đô thị. Những tòa nhà cao đủ mệt khi leo cầu thang bộ, tường vôi ngả màu thời gian, nhưng lại là điểm sáng tác hấp dẫn của nghệ thuật đường phố - graffiti.

Những tác phẩm khắc họa lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch hay lan tỏa lối sống xanh vì môi trường, được nhóm nghệ sĩ đường phố thực hiện ở chung cư 1A, 1B Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) trong lễ hội nghệ thuật đường phố do Viện Pháp và Viện Đức tại TPHCM tổ chức vào cuối năm 2021, được nhiều người dân quan tâm. Nhìn ô cửa sổ đã tróc sơn từ lâu, nhiều chỗ hoen gỉ, được nhóm nghệ sĩ phun lại lớp sơn màu xanh, tạo nên bức tranh lớn làm điểm nhấn trong không gian công cộng, bà Nguyễn Thị Nhiều (60 tuổi, ngụ chung cư 1B Nguyễn Đình Chiểu, quận 1), kể: “Thấy đám nhỏ lấy xe cần cẩu rồi phun xịt sơn từ trên xuống mấy ngày nay, dòm lại cũng hay quá chứ, chung cư cũ giờ mới tinh rồi”.

Nhịp sống phát triển, mức sống người dân ngày càng cao, chung cư cao cấp, nhiều tiện nghi được người dân ưu tiên lựa chọn. Chung cư cũ như một nốt trầm trong bản nhạc của đô thị hiện đại, nó chỉ còn phù hợp với những người có tuổi, những hộ dân đã mua nhà từ lâu.

Nhưng nơi ban công tường vôi vàng úa, những chậu cây xanh, khẽ lay mình theo cơn gió lướt qua, kèm tiếng nhạc từ máy cassette cũ rích, kiểu cà phê trong chung cư cũ thế này lại thu hút người ta đến lạ. Có một chút gì đó thật hoài niệm, một chút gì đó thật chậm rãi giữa phố phường nhộn nhịp, khách cứ thế mà tìm đến, chọn cho mình một góc nhỏ thật yên giữa những ngày bộn bề. Ở một chung cư cũ trên đường Pasteur (phường Bến Nghé, quận 1), SHE cà phê nép mình trong một không gian cũ, nơi đây có gu riêng và khách cũng riêng, trong đó không ít bạn trẻ. 

Liên Hoa (28 tuổi, ngụ quận 5) hay tìm đến đây mỗi khi rảnh rỗi, bạn tâm sự thật nhẹ nhàng: “Ở đây cũ kỹ giống như khu chung cư ở quận 5 nơi tôi sinh ra và lớn lên. Ba mẹ tôi chia tay, chúng tôi cũng chia tay khu chung cư cũ kỹ ấy. Đến đây, tôi như trở về với tuổi nhỏ, khi mà tôi còn đủ ba mẹ, có tiếng cười, có niềm vui…”.

Và có những chuyện đời thật ngộ, khi đồ cũ vẫn cứ có tiếng tăm và làm say đắm lòng người. Năm 2020, bức ảnh chụp chung cư 42 Nguyễn Huệ (quận 1) với tên gọi “Coffee Stories” của nhiếp ảnh gia Samsara Chan, được đăng tải trên fanpage National Geographic UK, thu hút nhiều bình luận thích thú của cộng đồng mạng quốc tế.

Chung cư 42 Nguyễn Huệ hay chung cư 26 Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé, quận 1) trong lòng nhiều bạn trẻ như trung tâm thương mại mang dáng dấp xưa giữa lòng thành thị. Ẩn trong chung cư cao chừng 8, 9 tầng đó, gần như không có hộ gia đình, nhiều quán cà phê, nhà hàng chiều khách từ hương vị đặc biệt đến hàng loạt góc nhỏ để chụp hình độc lạ. Người trẻ đến đây để tìm cho mình góc chill chill, còn lớp lớn hơn, họ đến để hoài niệm.

Nhiều người hay ví von chung cư cũ như “một kẻ ung dung chẳng chịu đổi đời”, ở đó nhịp sống bình thường và chậm trôi lắm. Tường vôi, bậc thang cũ mòn, úa màu theo tháng năm, còn hàng xóm thì thân quen đến độ biết mặt, biết người và biết cả họ hàng trong gia đình.

Và hạnh phúc nơi này ung dung trôi qua từng ngày, bản thân nó tồn tại như một điều giản dị từ trong cuộc sống hàng ngày, thứ hạnh phúc được tích lũy bằng những thăng trầm của thời gian. Nên người ta cứ hoài niệm mãi những tầng chung cư đã cũ, dẫu biết rằng vật đổi sao dời là điều tất nhiên, nhưng có người cả thanh xuân đã ở nơi này, có đứa nhỏ tuổi thơ lớn lên nơi này… Năm tháng trôi qua, chung cư không thang máy cũng phải dần nhường chỗ cho những công trình mới, vì bộ mặt khang trang hơn của đô thị, vì an toàn của người dân. Nhưng đâu đó trong lớp ký ức cùng năm tháng, chung cư cũ trở thành di sản trong lòng người đô thị.

Nhiều bạn trẻ cũng rỉ tai nhau những tiệm quần áo “chất như nước cất” trong các chung cư cũ. Quần áo ở đây với số lượng thiết kế có hạn và có gu riêng, nhưng vì các nhà thiết kế trẻ, thương hiệu mới chưa đủ tiềm lực kinh tế để mở cửa hàng ở mặt tiền đường lớn, nên nép mình trong những chung cư cũng là cách để họ tạo dựng thương hiệu lâu dài.

Tin cùng chuyên mục