Chuyển đổi số sẽ là trọng tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch

Chính sách chuyển đổi số phải hướng đến người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Không có công dân số thì sẽ không có xã hội số, kinh tế số.

Chiều 11-12, Bộ TT-TT đã tổ chức diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3 với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế” với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại UBND tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam.

Các thảo luận tại diễn đàn tập trung về những bài toán chuyển đối số mà Chính phủ đặt trọng tâm thực hiện vào năm 2022 để làm nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội. Các diễn giả cũng đã trình bày, thảo luận về vai trò và phương thức các doanh nghiệp công nghệ số tham gia giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Chuyển đổi số sẽ là trọng tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại diễn đàn chiều 11-12 điểm cầu chính Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh, doanh thu của các doanh nghiệp số vẫn tăng trưởng gần 10%. Các doanh nghiệp, nền tảng số là tài nguyên, dữ liệu của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ với nhiều doanh nghiệp số năng động. Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Doanh nghiệp công nghệ số là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số.
Chuyển đổi số sẽ là trọng tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch ảnh 2 Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn 
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng, công nghệ số đang tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội theo nhiều cách khác nhau như giao tiếp, tự động hóa, tạo lập - vận hành mô hình kinh doanh mới...
Khi phương thức sống của con người thay đổi, buộc pháp luật phải thay đổi theo. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần chủ động hoàn thiện thể chế để nắm bắt mọi cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Cơ hội chuyển đổi số mở rộng cho tất cả các quốc gia. Rất nhiều quốc gia tuy hạn chế tiềm lực, nhưng có bước đi phù hợp, đặc biệt là trong hoàn thiện thể chế đã tạo ra bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế.
Chuyển đổi số là cơ hội quan trọng để Việt Nam vươn lên, xây dựng quốc gia thịnh vượng. Theo đó, hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh tế mới.
Chuyển đổi số sẽ là trọng tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch ảnh 3 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự diễn đàn tham quan và nghe giới thiệu các sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam". Ảnh: VIẾT CHUNG
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành TT-TT cùng với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số đã tham gia tích cực trong việc chung tay cùng Chính phủ phòng, chống đại dịch, góp phần vào sự thành công của Việt Nam.
Điều đó được thể hiện rõ nét trong việc là đầu tàu, định hướng dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ số để có những giải pháp công nghệ số "Make in Vietnam" phục vụ tốt công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng cho biết, năm 2022 - 2023, chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Việc chấp nhận sớm, nhanh hơn các quốc gia khác, tạo môi trường thử nghiệm (sand-box) công nghệ số để nhanh chóng chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ số mới sẽ tạo cơ hội để thay đổi thứ hạng và đi đầu thành công để trở thành quốc gia dẫn dắt công nghệ. 
Chuyển đổi số sẽ là trọng tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch ảnh 4 Trong phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Ảnh: VIẾT CHUNG
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, muốn chuyển đổi số thành công, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Chính sách chuyển đổi số phải hướng đến người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Không có công dân số thì sẽ không có xã hội số, kinh tế số.
Thủ tướng cũng chỉ ra 6 nội dung trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới gồm: xây dựng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số; phát triển doanh nghiệp công nghệ số; phát triển nguồn nhân lực số; đổi mới sáng tạo số; phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu.
Chuyển đổi số sẽ là trọng tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch ảnh 5 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự diễn đàn tham quan và nghe giới thiệu các sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam". Ảnh: VIẾT CHUNG
Với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần tập trung phát triển mạnh mẽ; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP quốc gia bằng nội lực của doanh nghiệp cùng với sự dẫn dắt của Nhà nước thông qua chính sách kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Các doanh nghiệp cần không ngừng phát huy tinh thần, làm chủ công nghệ sản xuất "Make in Vietnam", hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Các doanh nghiệp công nghệ số sẽ không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn chính là lực lượng thực hiện công tác truyền thông, đào tạo thường xuyên, khuyến khích “người Việt sử dụng hàng Việt”.
Cùng với đó, các nền tảng, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số "Make in Viet Nam" với hàm lượng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tích hợp các công nghệ mới, công nghệ mở ở mức độ cao, có chất lượng và thương hiệu trong và ngoài nước.
Chuyển đổi số sẽ là trọng tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch ảnh 6 Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trao giải thưởng cho các doanh nghiệp có sản phẩm đoạt giải cao nhất Giải thưởng Make in Vietnam năm 2021. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tại diễn đàn, Bộ TT-TT đã công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2021 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc.
Đây là năm thứ hai giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam cũng như có giá trị thực tế lớn được ghi nhận trong phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.
Giải thưởng gồm 4 hạng mục: Thu hẹp khoảng cách số; Giải pháp số xuất sắc; Sản phẩm số xuất sắc; Nền tảng số xuất sắc. Tổng cộng đã có 48 sản phẩm xuất lọt vào Top 10, được vinh danh ở 4 hạng muc.
Đây là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.

Tin cùng chuyên mục