Chuyển đổi số giáo dục đại học: Nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng đào tạo

Nằm trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg), giáo dục đại học (ĐH) từng bước chuyển mình nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Yêu cầu bắt buộc 

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, hơn 10 năm qua, ĐH Quốc gia TPHCM và trường đại học thành viên đã từng bước đầu tư, phát triển các nền tảng hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn, học thuật trong hệ thống như thư viện số, hệ thống quản lý học vụ… Tuy nhiên, các nền tảng này còn rời rạc, chưa liên thông trong toàn hệ thống, chưa khai thác hết những tiến bộ của công nghệ để phục vụ đào tạo, hỗ trợ cho công tác quản trị, quản lý và chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người học, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Do đó, việc thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong ĐH Quốc gia TPHCM là một yêu cầu bắt buộc. “Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ mô hình lớp học truyền thống. Tất cả mọi hoạt động đào tạo đều phải đưa lên mạng. Thực hiện chuyển đổi số là để duy trì tính liên tục và thích ứng của hoạt động đào tạo”, PGS-TS Vũ Hải Quân nhìn nhận. 

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đầu tư studio giám sát hoạt động đào tạo, thi trực tuyến của sinh viên
Để chuẩn bị dạy học trực tuyến cho gần 22.000 sinh viên, học viên sau ĐH, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) đã kiện toàn cơ sở hạ tầng phục vụ, học liệu online, kể cả con người (gồm cả thầy và trò) cũng phải sẵn sàng các kỹ năng công nghệ cần thiết. Theo PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, năm 2021, do lượng dữ liệu video chuẩn HD và dữ liệu ảnh chụp bài thi của tất cả 22.000 người học rất lớn, nên phải thuê và vận hành hệ thống lưu trữ (1 giờ video chuẩn HD chiếm dung lượng từ 600 đến 800 Gb). Các dữ liệu này cũng cần được lưu trữ trong suốt thời gian học của sinh viên tại trường từ 4 đến 6 năm. 

Cùng với công tác đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH đang chuyển dịch trọng tâm vào dữ liệu. Thực hiện chuyển đổi số trong nghiên cứu khoa học, nhiều trường tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu, nền tảng kết nối để hình thành mạng lưới các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng giải quyết các vấn đề lớn. Cụ thể là xây dựng được một trung tâm dữ liệu lớn để thu thập, tích lũy dữ liệu mẫu, dữ liệu thực nghiệm ở tất cả lĩnh vực. Thông qua việc cùng giải quyết vấn đề sử dụng bộ dữ liệu dùng chung, các công trình nghiên cứu sẽ liên kết được với nhau, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kết quả, đồng kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, trung tâm dữ liệu lớn còn cung cấp năng lực tính toán, hỗ trợ cho các thực nghiệm trên dữ liệu lớn; hình thành trung tâm khởi nghiệp là nơi ươm mầm kết quả nghiên cứu tiềm năng và triển lãm giao dịch, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp, gắn kết giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái, sẵn sàng hợp tác đầu tư vào quy mô sản xuất lớn.

Cần giải pháp đồng bộ 

Dưới góc nhìn của nhà quản lý và chuyên gia về công nghệ, PGS-TS Vũ Hải Quân cho rằng, khả năng thành công của chuyển đổi số trong giáo dục ĐH cần có hạ tầng số, bao gồm hạ tầng logic và hạ tầng vật lý (dữ liệu, mạng lưới kết nối, băng thông mạnh, phương thức sư phạm hiện đại, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm người học và quan trọng hơn hết là các công cụ và nền tảng hỗ trợ triển khai). Những hạ tầng kỹ thuật phải đủ ổn định và tin cậy để vận hành được các yêu cầu, tính năng của giáo dục đào tạo thế hệ mới. Vì vậy, thực hiện chuyển đổi số cần có chính sách cụ thể, rõ ràng.

Trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các giảng viên ít nhiều đã trải qua việc sử dụng các phần mềm Zoom, Google Meet, Microsoft Team, Powerpoint hay email/web để dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, chuyển đổi số ở giáo dục ĐH không đơn giản chỉ là dạy học trực tuyến. Đó là công nghệ hóa toàn bộ tiến trình dạy và học, là tự động hóa quy trình nghiệp vụ và quản lý, là mở rộng đối tượng, năng lực, phạm vi giảng dạy, là nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng đáp ứng công nghiệp… 

TS Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, đánh giá: “Chúng ta đã đi từ giai đoạn thiếu thốn thông tin đến thời đại bùng nổ kỹ thuật số, đi từ việc ngồi thâu đêm hàng tuần trong thư viện sang việc phân loại các kết quả tra cứu của Google. Do đó, thực hiện chuyển đổi số được xem là một hoạt động tất yếu để đáp ứng sự thay đổi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu”. 

Trong khi đó, theo các chuyên gia giáo dục, có 3 tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở một trường ĐH là ngân sách nhà nước ngày càng giảm; kỳ vọng ngày càng cao của người học; công nghệ ngày càng phát triển. Cùng với đó là 3 thành phần cơ bản của quá trình chuyển đổi số gồm: con người, chiến lược, công nghệ. Từ đó, 4 hiệu quả được kỳ vọng khi thực hiện chuyển đổi số là nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, xuất hiện những phương thức/mô hình đào tạo mới và gia tăng nguồn lực tài chính. Do đó, nếu chỉ coi chuyển đổi số đơn thuần là giảng dạy từ xa thông qua webcam là chưa đủ, mà cần phải coi chuyển đổi số như một hệ sinh thái đào tạo hiện đại với nhiều thách thức mới, cơ hội mới. 

Phải thay đổi tư duy nhận thức và chịu đổi mới

Theo ông Bùi Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu, ĐH Quốc gia TPHCM, chuyển đổi số trong giáo dục ĐH là cấp thiết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người phải thay đổi tư duy nhận thức và chịu đổi mới. Khi đã quyết tâm, có chủ trương thì vấn đề đổi mới, số hóa đã có các chuyên gia thực hiện và sẽ đạt kết quả như kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục