Chuyển đổi số đã tới từng ngõ ngách kinh doanh

Tuần qua, TPHCM đã tổ chức Diễn đàn kinh tế với trọng tâm bàn về phát triển kinh tế số. Là một trong những trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật lớn của cả nước, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ ở thành phố từ nhiều năm qua.

Có thể nói, cho đến thời điểm này, hoạt động chuyển đổi số, tức là chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình ứng dụng công nghệ số hiện đại, đã chạm tới từng ngõ ngách của hoạt động sản xuất kinh doanh tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Chuyển đổi số đã tới từng ngõ ngách kinh doanh ảnh 1 Nhân viên một cửa hàng kinh doanh soạn hàng cho khách đặt trực tuyến. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tranh đấu quyết liệt

Một số chợ truyền thống nổi tiếng TPHCM vốn thu hút rất đông du khách đến tham quan, mua sắm như Bến Thành (quận 1), An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6)…, nay im lìm đợi khách. Mặc dù cuối tuần nhưng khá nhiều sạp trong các chợ này vẫn cửa đóng then cài hoặc hoạt động cầm chừng. “Buôn bán ế ẩm, có ngày mở sạp chỉ bán được 3-4 cái áo, vài chiếc quần, lời chưa tới 100.000 đồng/ngày, không đủ trả công nhân viên, nhưng vì gắn bó với công việc này hơn 20 năm nay nên tôi không muốn bỏ”, chị Trang Hoàng, tiểu thương chuyên kinh doanh mặt hàng quần áo tại chợ An Đông, cho biết. 

Nhiều người nghĩ rằng do dịch bệnh, nhưng nguyên nhân chưa hẳn vậy, bởi trước khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động kinh doanh ở các chợ truyền thống đã bị cạnh tranh gay gắt từ thương mại điện tử. Lúc đó, nhiều chợ đã giảm gần nửa sạp so với trước đó.

Trái ngược với sự giảm sút kinh doanh nghiêm trọng ở các chợ, theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista, giá trị thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á đã tăng 24 lần trong vòng 6 năm qua, từ 5 tỷ USD năm 2015 lên 120 tỷ USD năm 2021 và dự kiến đạt 234 tỷ USD vào năm 2025. Đối với Việt Nam, thị trường thương mại điện tử bán lẻ được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025.

Không chỉ chợ truyền thống, các bưu điện hiện cũng vắng người đến gửi thư, gọi điện như trước. Chị L., nhân viên Bưu điện quận 5, cho hay, người dân bây giờ gọi điện thoại trực tuyến có cả hình ảnh qua Zalo, Viber… nên số người đến gửi thư chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Dịch vụ gọi điện thoại công cộng cũng không còn sử dụng nữa. Ở nhiều nơi, bưu điện phải nhận thêm rất nhiều dịch vụ khác như thu tiền điện, nước… để có thêm thu nhập.

Thế nhưng, có thể nói, một trong những vụ chuyển đổi số “đình đám” nhất thời gian qua chính là sự ra đời của các ô tô, xe gắn máy 2 bánh ứng dụng công nghệ để kết nối với khách hàng. Sự ra đời của những loại hình vận chuyển này đã đẩy các xe kinh doanh theo kiểu truyền thống lâm vào tình thế hết sức khó khăn. Sự cạnh tranh căng thẳng đến nỗi Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) - tiêu biểu cho phương thức kinh doanh truyền thống, đã kiện ra Tòa án Nhân dân TPHCM đòi Công ty TNHH Grab Việt Nam - tiêu biểu cho phương thức kinh doanh chuyển đổi số, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gần 42 tỷ đồng. Sự việc hiện giờ đã được giải quyết, nhưng dư vị của nó vẫn còn dai dẳng cho đến ngày hôm nay, khi Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi tính “nhốt chung” taxi truyền thống với taxi ứng dụng công nghệ vào chung mô hình quản lý. 

Còn giữa xe gắn máy 2 bánh ứng dụng công nghệ với xe “ôm” truyền thống, thì không ít mâu thuẫn ở một số nơi đã được “giải quyết” bằng… nắm đấm. Những phản ứng tiêu cực như vậy chắc chắn không đúng, nhưng cũng cho thấy phần nào quá trình chuyển đổi số cực kỳ khốc liệt. Nó không chỉ đẩy những người chưa kịp thay đổi để tiếp cận công nghệ vào tình huống khó khăn, mà còn là những thách thức lớn. 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh truyền thống đều hiểu được và cảm nhận rõ áp lực cạnh tranh hiện nay, nhưng họ chưa biết bắt đầu thế nào và triển khai ra sao cho hiệu quả. Chưa có thống kê, tìm hiểu nguyên nhân chính thức từ ngành chức năng về việc này, nhưng thực tế cho thấy “trận chiến” giữa cái mới là kinh doanh số và truyền thống đã và đang diễn ra rất quyết liệt.  

Chờ mô hình quản lý phù hợp

Để thích ứng với tình hình thực tế, một số tiểu thương tại các chợ truyền thống như Bến Thành, Bình Tây, An Đông… đã triển khai bán hàng trực tuyến song song với trực tiếp. Các tiểu thương này chia sẻ, trong thời gian dịch bệnh, lượng khách online tăng khoảng 15%-20% so với ngày bình thường và đây thực sự là con số đáng mừng. 

Chuyển đổi số đã tới từng ngõ ngách kinh doanh ảnh 2 Nhân viên một cửa hàng kinh doanh đang soạn hàng cho khách đặt hàng trực tuyến. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tuy vậy, số lượng tiểu thương tại các chợ bán trực tuyến chưa nhiều, nguyên nhân do một số người bán lớn tuổi, số khác có con cháu không muốn tiếp quản công việc kinh doanh truyền thống của gia đình. Mà người lớn tuổi thường không rành công nghệ, tốc độ xử lý thông tin chậm chạp nên khó tìm được khách. Hiện những người này đang tận dụng ưu thế của bán trực tiếp là được “sờ tận tay, trải nghiệm, nhìn tận mắt” để thu hút khách hàng. Thế nhưng, theo nhiều tiểu thương, tất cả những nỗ lực này cũng khó giúp họ cạnh tranh sòng phẳng với những người bán hàng qua mạng. 

Chị Trang Hoàng lý giải: “Nhiều tiểu thương chợ truyền thống chỉ cần “đặt” gánh hàng nhỏ vào chợ bán là đã phải nộp thuế hoa chi để bù đắp cho công tác sắp xếp trật tự, vệ sinh, phòng chống cháy nổ… Trong khi đó, vẫn có không ít người bán hàng qua mạng xã hội đã tìm mọi cách để né thuế. Kinh doanh không sòng phẳng như vậy, làm sao tiểu thương chợ truyền thống tồn tại được”. 

“Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và xe công nghệ đã lắng xuống, nhưng mô hình nào để quản lý các loại xe này vẫn đang gây tranh cãi. Bộ GTVT có nhiều nỗ lực “tìm một ngôi nhà” cho xe công nghệ khả dĩ bình đẳng với taxi truyền thống, nhưng với mô hình mà bộ đề xuất trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ chưa cho thấy điều đó. 

Theo nhiều chuyên gia, một trong những ưu điểm của xe công nghệ là thích ứng nhanh, thường đưa ra mức giá phù hợp với diễn biến của thị trường; giá cước vận tải vào giờ cao điểm cao, nhưng vào giờ thấp điểm lại hạ thấp, hành khách được thông báo trước đoạn đường đi và biết trước được giá cước phải trả… Trong khi đó, nhiều taxi truyền thống bị ràng buộc bởi quy định phải thông báo giá nếu có điều chỉnh với ngành chức năng. Làm xong thủ tục này nhiều khi đã qua “giờ cao điểm” hay “giờ thấp điểm”. Chưa kể, đi taxi với đồng hồ tính tiền kiểu cũ, gặp tài xế không lương thiện, rất có thể hành khách sẽ bị “phù phép” tăng thêm nhiều km nữa. 

Nhận định về việc này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, Bộ GTVT không thể quản lý taxi công nghệ như cách đã quản lý taxi truyền thống và ngược lại. Hiện nhiều hãng taxi đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành để tăng năng lực cạnh tranh. Do đó, trách nhiệm của Bộ GTVT là vừa tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, vừa phát huy được lợi ích của công nghệ để qua đó đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Ngành ngân hàng là một trong những ngành thực hiện chuyển đổi số rất thành công. Tại TPHCM, hoạt động thanh toán số năm 2021 đã tăng 168% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn luôn phải cảnh báo khách hàng cảnh giác khi thực hiện các giao dịch bằng công nghệ… Tất cả điều này cho thấy, thực tế đang đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nghiên cứu, đưa ra được mô hình quản lý phù hợp với thời đại công nghệ số. Tất nhiên, có thể có độ trễ, nhưng không nên… trễ quá, làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

GS-TS NGUYỄN THỊ CÀNH, nguyên giảng viên cao cấp Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM:

Thích ứng với chuyển đổi số

Nhu cầu mua hàng trực tuyến của khách hàng tăng mạnh, đặc biệt sau dịch Covid-19, điều này đòi hỏi những người kinh doanh truyền thống phải sớm thay đổi. Tôi cho rằng, trong số các mô hình kinh doanh truyền thống như nói ở trên, gồm chợ, bưu điện, taxi, thì chợ truyền thống mất nhiều thời gian để thay đổi hơn cả. Đây cũng là nhóm yếu thế cần được quan tâm. Về phía tiểu thương, bà con cần chủ động để chuyển đổi cho phù hợp, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng trong tình hình mới. Tất nhiên, một mình tiểu thương có thể không thực hiện được, nhưng với sự trợ lực của Nhà nước, cùng các chính sách hỗ trợ cụ thể (đào tạo nhân lực, tập huấn chuyển đổi…), sẽ giúp bà con ứng dụng công nghệ vào việc kinh doanh hiệu quả hơn. 

Thạc sĩ LÊ TRUNG TÍNH, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Vận tải hành khách TPHCM:

Phải có mô hình quản lý các hình thức kinh doanh mới

Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng lúng túng với việc quản lý vận tải có ứng dụng công nghệ thông tin như Grab, Uber… Thế nhưng, trách nhiệm của ngành chức năng là phải tìm được mô hình phù hợp để quản lý. Lấy mô hình quản lý cũ “áp” cho hoạt động mới là không thể chấp nhận. 

Tin cùng chuyên mục