Chuyển đổi hệ thống, tên gọi các hạng giấy phép lái xe (GPLX): Không ảnh hưởng đến GPLX đã cấp

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất 17 hạng GPLX thay vì 13 hạng như hiện nay. Một số dự kiến thay đổi về GPLX đối với ô tô đang gây bức xúc trong dư luận, trong đó, nhiều người lo ngại về việc có thể không được tiếp tục lái xe, hoặc phải thi lên hạng để tiếp tục lái xe.
Những dự kiến quy định mới không ảnh hưởng đến giấy phép lái xe đã cấp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Những dự kiến quy định mới không ảnh hưởng đến giấy phép lái xe đã cấp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo dự thảo, GPLX hạng B1 vốn đang được phép lái ô tô, sẽ còn chỉ được cấp cho lái mô tô 3 bánh. Hạng B2, vốn đang được cấp cho lái xe chở người đến 9 chỗ hoặc xe tải dưới 3,5 tấn cả số sàn và số tự động, sẽ chỉ còn dành cho xe số tự động; nếu muốn được lái xe số sàn, tài xế buộc phải có bằng B.

Ngay sau khi những thông tin này được đưa ra, nhiều người bày tỏ ý kiến không đồng tình vì trên thực tế, rất nhiều người đang có bằng B1, vẫn đang lái xe gia đình từ nhiều năm qua, nếu bỗng dưng không được phép lái xe là rất vô lý. Tương tự, hàng vạn tài xế taxi đang hành nghề với bằng B2 bỗng dưng phải thi lên bằng B là rất khó chấp nhận, nhất là khi trước đó, họ đi học lái xe, sát hạch cấp GPLX đều phải bằng xe số sàn.

Ông Lê Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng, quy định như vậy nếu áp dụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động taxi toàn quốc bởi hầu hết tài xế đang có bằng B2 và chứng chỉ hành nghề. Nếu phải học để chuyển bằng sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc chuyển đổi GPLX thật sự không cần thiết, bởi không ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Những nguy cơ mất an toàn giao thông liên quan đến GPLX hiện nay chủ yếu do những bất cập trong quá trình đào tạo, cấp phép. Để đảm bảo an toàn giao thông, cần phải nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, giảm thiểu tiêu cực trong quá trình này để đảm bảo GPLX được cấp đảm bảo chuẩn xác.

Trước những bức xúc này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, việc đề xuất thay đổi các hạng GPLX thực chất là để phù hợp chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam đã ký kết khi tham gia Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ. Theo lộ trình, hạng GPLX theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được chuyển đổi sang hạng GPLX mới cũng giống như việc chuyển đổi GPLX Việt Nam sang GPLX quốc tế đã được thực hiện từ năm 2015 theo quy định tại Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 6-7-2015 của Bộ GTVT quy định về cấp và sử dụng GPLX quốc tế.

Ông Lương Duyên Thống khẳng định, việc điều chỉnh phân hạng GPLX như trong dự thảo không ảnh hưởng và làm phát sinh thủ tục, chi phí cho người dân. Người đã được cấp GPLX sẽ tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn sử dụng ghi trên GPLX (GPLX hạng A1 không thời hạn). Trường hợp hết hạn, thì đổi sang GPLX theo hạng mới (GPLX hạng A3 được đổi sang GPLX hạng B1, GPLX hạng B1 số tự động được đổi sang GPLX hạng B2, GPLX hạng B1, B2 số sàn được đổi sang GPLX hạng B…).
Đối với người cấp mới, cấp đổi GPLX thì sẽ đổi theo hạng GPLX mới. Như vậy, khi chuyển đổi hệ thống, tên gọi các hạng GPLX sẽ không hồi tố đối với các bằng lái xe cũ. Người dùng sẽ không phải thi lại bằng, đổi bằng. Sau khi luật mới được thực hiện sẽ cấp GPLX theo mẫu mới cho người dân có nhu cầu đổi, cấp mới hoặc cấp lại GPLX.

Bộ GTVT cho biết, hiện dự thảo luật vẫn đang tiếp tục tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và người dân để sửa đổi đảm bảo luật phù hợp với thực tiễn và có tác dụng lâu dài, ít nhất là 10 năm.

Tin cùng chuyên mục