Chuyển đổi 12.593ha trồng cây ăn trái giá trị cao

Ngày 11-11, Bộ NN-PTNT cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, nông dân các tỉnh ĐBSCL đã chuyển đổi hơn 12.593ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái; trong đó cây mít có diện tích trồng nhiều nhất với 4.728ha, kế đến là xoài 1.470ha, cam xoàn 1.470ha, thanh long 1.234ha… 
Nông dân ĐBSCL mở rộng diện tích trồng mít Thái đem lại hiệu quả cao
Nông dân ĐBSCL mở rộng diện tích trồng mít Thái đem lại hiệu quả cao

Ước tính của các địa phương ở ĐBSCL cho thấy, cây sầu riêng đem lại lợi nhuận cao nhất với khoảng 910 triệu đồng/ha; trong khi bưởi da xanh, cam xoàn, thanh long cho lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha; mít Thái hơn 364 triệu đồng/ha… Tất cả đều cao hơn gấp nhiều lần so cây lúa.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh hỗ trợ nông dân thực hiện rải vụ cây ăn trái, tập trung chính vào 5 loại cây (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn) với diện tích 59.000ha. Việc rải vụ nhằm tạo điều kiện tốt để tiêu thụ, giảm áp lực đầu ra khi sản lượng tập trung thu hoạch vào chính vụ; nhờ đó giá trái cây rải vụ luôn ổn định, giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất cao hơn chính vụ khoảng 2 lần.

Bộ NN-PTNT dự báo, cuối năm 2019 và đầu năm 2020, tình hình hạn mặn phức tạp; do đó chính quyền địa phương và người dân cần chủ động các giải pháp ứng phó, bảo vệ vườn cây ăn trái. Sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ từ rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước. Củng cố hệ thống đê bao xung quanh vườn để ngăn nước mặn xâm nhập. Đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước và không tưới nước có độ mặn cao hơn 1‰ cho cây; đối với một số cây ăn trái mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn hơn 0,5‰ nhằm tránh bị thiệt hại…

Tin cùng chuyên mục