Chuyện bát nháo đòi nợ thuê: Cơ quan chức năng nói gì?

Loạt bài “Đòi nợ thuê - Nghề kinh doanh cần siết chặt quản lý” đăng trên Báo SGGP ngày 29-11 và 30-11 đã nêu tình trạng đòi nợ thuê đang phát triển rầm rộ với những “đòn bẩn” nhằm đe dọa, gây áp lực con nợ. Những biến tướng đáng lo ngại của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đang đặt ra nhiều vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan.
Chuyện bát nháo đòi nợ thuê: Cơ quan chức năng nói gì?

>> Bài 1: Nở rộ dịch vụ đòi nợ thuê

>> Bài 2: Đòi nợ trái luật

Loạt bài “Đòi nợ thuê - Nghề kinh doanh cần siết chặt quản lý” đăng trên Báo SGGP ngày 29-11 và 30-11 đã nêu tình trạng đòi nợ thuê đang phát triển rầm rộ với những “đòn bẩn” nhằm đe dọa, gây áp lực con nợ. Những biến tướng đáng lo ngại của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đang đặt ra nhiều vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan.

Thường xuyên kiểm tra

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, trung tá Võ Khôi Nghĩa, Đội trưởng Đội Phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm có tổ chức hoạt động kiểu xã hội đen (Đội 2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM), cho biết, trên địa bàn TPHCM hiện có 29 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Trong đó, 22 cơ sở đang hoạt động với 374 người hành nghề (8 công ty TNHH, 10 công ty cổ phần, 4 chi nhánh), 6 cơ sở đang tạm ngưng hoạt động và 1 cơ sở đã ngưng hoạt động.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TPHCM kiểm tra các công ty đòi nợ nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm và đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn. Qua kiểm tra các cơ sở, Công an TPHCM phát hiện một số sai phạm: Công ty cổ phần Dịch vụ đòi nợ H.P. (phường 13 quận Tân Bình) sử dụng người lao động không đủ điều kiện; Công ty TNHH Dịch vụ thu hồi nợ T.H. (phường 12 quận Tân Bình) thực hiện các cuộc gọi để nhắc nợ không đúng với quy định; một số công ty khác sử dụng văn bằng không hợp lệ - nghi vấn là bằng giả...

Nợ tiền là tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi cho nhân viên đi thu hồi nợ đã không đeo thẻ nhân viên, không có giấy giới thiệu; đưa đông người theo, gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến uy tín của bên bị đòi nợ; có hành vi đập phá, hủy hoại tài sản... Gặp những trường hợp như vậy, người dân nên gọi điện thoại báo cho công an địa phương, đội cảnh sát hình sự công an các quận - huyện hoặc gọi số 0693.187542 gặp Đội 2 (PC45 Công an TPHCM) để phối hợp chính quyền địa phương giải quyết. “Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan công an sẽ kiên quyết xử lý”, trung tá Võ Khôi Nghĩa nhấn mạnh.

Nhân viên của một công ty đòi nợ thuê ăn mặc, trang bị vẻ dữ dằn để đe dọa, trấn áp khi đi đòi nợ

Né tránh trách nhiệm

Trong khi Công an TPHCM phản hồi cung cấp thông tin một cách rõ ràng, thì Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM lại có phản hồi theo kiểu né trách nhiệm, còn Cục Thuế TPHCM có thái độ thiếu hợp tác, không cung cấp thông tin.

Bạn đọc thắc mắc: công tác hậu kiểm khi cấp giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực đòi nợ thuê về căn cứ hợp pháp của khoản nợ, về các hành vi khi đòi nợ, nhân viên của công ty đòi nợ... có đúng theo Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ hay không? Phóng viên đã gửi câu hỏi này đến Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, tuy nhiên chỉ nhận được phản hồi như sau: “Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Doanh nghiệp năm 2014, điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là “ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh”. Khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành”. Theo đó, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14-6-2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Thông tư 110/2007/TT-BTC ngày 12-9-2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14-6-2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho biết, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 12/2012/QĐ-UBND ngày 20-3-2012 ban hành quy chế phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn TPHCM, trong đó quy định cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, tự kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chế độ báo cáo trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn TPHCM. Ở phần phản hồi này, chúng tôi hoàn toàn không thấy trách nhiệm của Sở Kế hoạch - Đầu tư, đơn vị trực tiếp thực hiện cấp giấy phép kinh doanh cho các công ty đòi nợ thuê.

Chúng tôi cũng đem thắc mắc của người dân về việc thu thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ thuê, bởi hiện nay không ít công ty đòi nợ thuê kê khai mức phí trong hợp đồng  pháp lý đòi nợ rất thấp hoặc lập hợp đồng giả cách, từ đó trốn tránh thực hiện nghĩa vụ khai, nộp thuế cho nhà nước. “Cục Thuế TPHCM có biện pháp nào để kiểm tra, xử lý và ngăn chặn những trường hợp như vậy?”. Ban đầu, đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết đây là vấn đề do Chi cục Thuế các quận trực tiếp quản lý. Trong khi đó, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Gò Vấp lại khẳng định họ không có thẩm quyền trả lời, việc này là của Cục Thuế. Ngày 27-11, chúng tôi gửi bản câu hỏi cho Cục Thuế TPHCM, nhưng mãi vẫn không thấy bên này hồi âm, chúng tôi liên hệ qua điện thoại với đơn vị này thì bị chỉ đi lòng vòng, bộ phận văn thư đẩy lên phòng tuyên truyền hỗ trợ, còn phòng tuyên truyền lại chỉ sang phòng hành chính, cứ như vậy 3 bộ phận này đùn đẩy cho nhau và  đến nay sau hơn 3 tuần chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Cục Thuế TPHCM. Phải chăng, những cơ quan quản lý nhà nước này cho rằng mình không có trách nhiệm kiểm tra, xử lý, ngăn chặn những sai phạm của các công ty đòi nợ thuê?

ÁI CHÂN - THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục