Chuông vàng vọng cổ 2018 trước giờ G

Đêm chung kết xếp hạng và trao giải cuộc thi Chuông vàng vọng cổ (CVVC) 2018 sẽ diễn ra vào tối 30-9 tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM. 
Thí sinh Kim Cương trong trích đoạn Chuyện tình lá diêu bông
Thí sinh Kim Cương trong trích đoạn Chuyện tình lá diêu bông

Ban giám khảo sẽ quyết định chọn ra thí sinh có chất giọng xuất sắc, có tiềm năng, tố chất để trao giải thưởng cao quý nhất: Chuông vàng 2018.

Hiếm hoi “chất vàng”

Một chặng đường gian nan tìm kiếm những giọng ca cổ nhạc tài năng trong xã hội đang dần khép lại, chỉ còn đêm thi diễn, tranh tài cuối cùng dành cho 3 thí sinh nổi trội nhất tại cuộc thi CVVC 2018: Lâm Thị Kim Cương (Sóc Trăng), Võ Thị Ngọc Quyền (TPHCM) và Phạm Văn Nguyên (Đồng Tháp).

Trong đêm chung kết 3, sau 1 tuần tập luyện cùng ban huấn luyện, cả 3 thí sinh đã nỗ lực hoàn thành tốt vai diễn dự thi để giành chiếc vé vào vòng chung kết và trao giải. Thí sinh Kim Cương ca diễn ngọt ngào, truyền cảm, có chiều sâu với vai chị Hai trong trích đoạn Chuyện tình lá diêu bông. Trong khi đó, Ngọc Quyền lại ghi điểm bằng giọng kim, làn hơi mạnh mẽ, nhịp tốt, cùng với sự diễn xuất tự tin. Còn Phạm Văn Nguyên, thí sinh nam duy nhất bước vào vòng chung kết và trao giải, có chất giọng đầy nội lực, nhịp vững, cách ca diễn tự nhiên… Nhìn chung, cả 3 thí sinh đều có sự nỗ lực vượt bậc trên sàn diễn, dưới ánh đèn sân khấu, để hoàn thành bài thi bằng tất cả khả năng có được. 

Đông đảo khán giả có mặt tại phim trường HTV đã cổ vũ nhiệt tình cho 3 thí sinh, góp phần không nhỏ giúp các thí sinh có thêm động lực, sự vững tin để hoàn thành tốt bài thi diễn. Tuy nhiên, trong đêm thi thứ ba này, sức hấp dẫn của các bài thi xem ra quá ít. Khán giả Ngô Thị Mai, 69 tuổi, nhà ở quận 10, cho biết: “Tôi xem CVVC mỗi năm, thấy cuộc thi năm nay không hay bằng mấy năm trước. Năm nay, hiếm có chất giọng lạ, bản lĩnh sân khấu, tạo được ấn tượng sâu sắc với khán giả. Cách dàn dựng tiết mục hình như không được đầu tư nhiều nên không có được sự đa dạng và chiều sâu”.

Thực tế này ít nhiều khiến khán giả giảm bớt phần nào sự hào hứng với cuộc thi. Có lẽ, nguyên nhân chính là vì ban huấn luyện và các thí sinh đã chọn những bài thi là các trích đoạn thi diễn quá “an toàn”, phù hợp với khả năng và tố chất của từng thí sinh. Chính vì vậy, những trích đoạn đã không tạo được dấu ấn đặc biệt với người xem, cũng như không tạo sự gay cấn để thí sinh bứt phá.

Nỗ lực dù gian khó

Hành trình tìm vàng, rèn giũa ngọc thô từ cuộc thi CVVC là để tìm kiếm thêm nhiều giọng ca hay cho sân khấu truyền thống chuyên nghiệp - đang dự báo ngày một cạn dần nguồn nhân lực. Thật ra, hiện trạng này đã tồn tại bấy lâu nay là do loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương chưa có được sự quan tâm đủ đầy từ Nhà nước và các đơn vị quản lý văn hóa. Một khi không có sự đầu tư đến nơi đến chốn, không có chế độ đãi ngộ nhân tài, tạo động lực để nhân tố mới tìm thấy sự an tâm theo đuổi nghệ thuật truyền thống dân tộc, thì thật khó mà quy tụ được nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp nối gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật mà bao thế hệ đi trước đã chung sức gầy dựng.

Dù còn nhiều trăn trở về khó khăn, bất cập của sân khấu đờn ca tài tử, cải lương, nhưng những khán giả quan tâm đến cuộc thi CVVC 2018 vẫn đang chờ đợi đêm chung kết và trao giải, dự đoán gương mặt sẽ đăng quang cuộc thi năm nay. Vẫn phải khẳng định, 13 mùa CVVC qua đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và cho ra “lò” một đội ngũ những nghệ sĩ trẻ cho sân khấu cải lương hôm nay. Đó là những Võ Minh Lâm, Nguyễn Ngọc Đợi, Võ Thành Phê, Trần Thị Thu Vân, Bùi Trung Đẳng, Nguyễn Thị Luận, Phạm Thị Huyền Trang, Nguyễn Văn Mẹo, Nguyễn Minh Trường… vẫn đang tiếp tục đeo bám sàn diễn, góp sức cho hoạt động văn hóa nghệ thuật tại TPHCM và nhiều tỉnh thành.

Tin cùng chuyên mục