Chương trình truyền hình Tết Nhâm Dần 2022: Trao tiếng cười và hy vọng

Đề cao tính giải trí nhưng các chương trình truyền hình Tết 2022 trên khắp các kênh sóng cho thấy mức độ đầu tư của các đơn vị sản xuất nhằm mang đến cho khán giả món ăn hấp dẫn, mang thông điệp nhân văn, ý nghĩa.

Tâm điểm Táo quân

19 năm với 18 chương trình đã phát sóng (năm 2020 được thay bằng phiên bản mới Làng Vũ Đại thời hội nhập), không ngạc nhiên khi Gặp nhau cuối năm - Táo quân luôn là chương trình được khán giả khắp cả nước chờ đón nhất mỗi dịp giao thừa. Những tranh cãi trái chiều, so sánh về nội dung, các diễn viên tham gia diễn xuất… càng làm gia tăng sức nóng. Bằng chứng là một video trích những câu nói hay nhất của chương trình được đăng tải trên YouTube đã thu hút hàng triệu lượt xem và luôn xuất hiện trên tốp thịnh hành.

Như thường lệ, Táo quân giống một bản tổng kết năm chọn lọc các vấn đề thời sự - kinh tế - xã hội. Năm nay lên “chầu” có sự góp mặt của 4 táo chính, gồm: Táo Giao thông (Chí Trung), Táo Mạng (Tự Long), Táo Kinh tế (Quang Thắng) và Táo Xã hội (Vân Dung). Nghệ sĩ Quốc Khánh tiếp tục đảm nhận vai Ngọc Hoàng, trong khi vai Nam Tào - Bắc Đẩu được giao cho hai diễn viên trẻ Duy Nam và Trung Ruồi (thay thế cho Xuân Bắc - Công Lý).

Táo quân 2022 có không ít thuận lợi khi năm qua có nhiều vấn đề nổi cộm để khai thác. Những câu chuyện: bất cập giấy đi đường, trục lợi từ dịch bệnh, quy định phòng chống dịch bệnh, bạo lực trẻ em, tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh đi vào hoạt động... đều được đưa vào.

Sự xuất hiện của Táo Mạng mang đến không khí vui nhộn, hài hước khi đề cập rất nhiều hot trend (xu hướng nổi bật) năm qua như việc loạn livestream bán hàng, khoe thân… với những câu nói quen thuộc: sao kê, enjoy cái moment này, nhìn sang trái, người trong cuộc mới biết người trong kẹt... Kịch bản dù đơn giản nhưng tương đối lôgíc, ít nhiều mang đến tiếng cười nhẹ nhàng mà thâm thúy.

Chương trình truyền hình Tết Nhâm Dần 2022: Trao tiếng cười và hy vọng ảnh 1 Những tranh cãi cho thấy sức nóng và sự quan tâm dành cho "Táo quân". Ảnh: VFC

Dễ hiểu sự kỳ vọng của khán giả khi những gương mặt tham gia Táo quân hầu hết là tên tuổi gạo cội. Táo Mạng - Tự Long, Táo Giao thông - Chí Trung hay Ngọc Hoàng - Quốc Khánh nổi bật hơn với nhiều đất diễn, sự biến hóa trên sân khấu. Hai gương mặt trẻ Đỗ Duy Nam và Trung Ruồi cũng vượt qua áp lực, bước đầu không bị ảnh hưởng bởi cái bóng quá lớn của các nghệ sĩ đàn anh. Nhưng để tạo nên màu sắc riêng biệt và cá tính độc lập, cả hai cần thêm nhiều thời gian.

Những gam màu đa sắc

Có thể nói, các chương trình truyền hình dịp Tết năm nay đã có nhiều đổi mới thú vị. Vắng bóng nhà báo Lại Văn Sâm trong vai trò dẫn dắt nhưng 12 con giáp vẫn đầy hài hước, thú vị khi có sự thay thế của MC Đinh Tiến Dũng (được biết đến với tên gọi Giáo sư Cù Trọng Xoay).

12 khách mời là các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực, đại diện 12 con giáp, mang đến nhiều câu chuyện thú vị. Thông qua tour du lịch về làng, họ cùng nhau khám phá: trò chơi dân gian, phong tục văn hóa của các vùng miền, ẩm thực ngày Tết… Tôn vinh những nét văn hóa truyền thống là sợi dây xuyên suốt của 12 con giáp năm nay.

Việc dàn dựng thành vở nhạc kịch kéo dài gần 2 giờ của Gala Cười thay vì các tiểu phẩm ngắn cũng là thay đổi tích cực. Thông qua câu chuyện của một con hổ bị bắt, trở thành diễn viên trong đoàn xiếc, sau đó đã tìm mọi cách để trở về với rừng xanh, tập hợp lại muông thú muôn loài, chương trình gửi gắm thông điệp con người và thiên nhiên rất cần và nên chung sống hòa bình, thân thiện.

Trong khi đó, nếu theo dõi Tết HTV sẽ thấy sắc xuân phương Nam rộn ràng thông qua những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc. Dấu ấn của chương trình là những hình ảnh đẹp trong năm qua khi cả thành phố, trong đó có các văn nghệ sĩ, đã chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Hai ca khúc Sống như tia nắng mặt trờiTrái tim thanh xuân do các tình nguyện viên nghệ sĩ đại diện thể hiện trên sân khấu đã nói lên tinh thần ấy.

Các chương trình truyền hình Tết năm nay được các đơn vị thực hiện ngay khi cuộc sống trở lại “bình thường mới” sau dịch bệnh. Do đó, không thể phủ nhận nỗ lực để tạo nên từng hình ảnh đẹp, mang đậm hơi thở cuộc sống của các chương trình.

Sóng 22 với chủ đề “Sóng phá cách” là bữa tiệc thịnh soạn khi từng tiết mục, các chủ đề bàn tròn được dàn dựng bài bản. 5 chương, ứng với 5 giác quan, của Đón Tết cùng VTV với chủ đề Và hoa sẽ nở lại là hành trình dày công dọc theo dải đất hình chữ S. Tương tự, Gặp nhau là Tết - Tết là gặp nhau 2022 là nhạc hội hoành tráng, nhiều sắc màu...

Có thể thấy, tất cả các chương trình trên sóng truyền hình năm nay thực sự là hành trình đa sắc. Nó đã đơm hoa, kết trái sau thời gian dài được ấp ủ với mong muốn mang đến niềm vui, tiếng cười và trao niềm lạc quan cho khán giả.

Táo quân là món ăn tinh thần quan trọng. Nếu Tết thiếu chương trình này sẽ không còn nhiều ý nghĩa nữa”; “Tuy có những sự đổi mới nhưng chương trình rất hay. Những bạn mới diễn rất hay, phải đảm nhận vai khó chắc áp lực lắm”; “Không có Táo quân là không có Tết”... là những bình luận để lại trên mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều, khi đánh giá sự hài hước mà thâm thúy, sâu cay còn nằm trong “vùng an toàn”, hay sự thay đổi nghệ sĩ làm giảm sức nặng của chương trình.

Tin cùng chuyên mục