Chương trình sữa học đường: Tự nguyện hay bắt buộc?

Nhiều đại biểu HĐND TPHCM bày tỏ sự đồng tình với chương trình sữa học đường. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cách thực hiện cần được công khai, minh bạch, có sự giám sát, để không gây tai tiếng, không mất niềm tin trong phụ huynh học sinh và người dân.

 Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 8-10, trong kỳ họp bất thường - Kỳ họp thứ X, HĐND TPHCM khóa IX, nhiều đại biểu (ĐB) HĐND đã bày tỏ sự đồng tình với đề án chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TPHCM (gọi tắt là chương trình sữa học đường).

Tuy nhiên, các ĐB cho rằng, cách thực hiện cần hết sức công khai, minh bạch, có sự giám sát, để không gây tai tiếng, không mất niềm tin trong phụ huynh học sinh và người dân.

Đề nghị làm rõ tính tự nguyện hay bắt buộc đối với học sinh

ĐB Thi Thị Tuyết Nhung nhận xét, qua các ý kiến của các ngành thì tỷ lệ suy sinh dưỡng ở 5 huyện chưa chắc đã cao bằng các khu vực quận ven TP - nơi đang có nhiều con em người lao động, người nhập cư. Để tạo sự công bằng, ĐB Tuyết Nhung đề nghị, thực hiện chương trình sữa học đường đối với các học sinh lớp 1 và trẻ mầm non trên toàn TP trong học kỳ 2 năm học ‎2018-2019.

Trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp sữa, theo ĐB Thi Thị Tuyết Nhung, quá trình đấu thầu phải đảm bảo sự công khai, minh bạch nhằm đảm bảo chọn lựa các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm sữa phù hợp. Đồng thời, cần tôn trọng các trẻ mà phụ huynh chưa muốn tham gia chương trình sữa học đường.

Chương trình sữa học đường: Tự nguyện hay bắt buộc? ảnh 1 ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm yêu cầu TPHCM đấu thầu công khai, có cơ chế giám sát chặt chẽ, trong đó có sự tham gia giám sát của báo chí và phụ huynh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng thuận chương trình sữa học đường là nhân văn, nhưng ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm vẫn bày tỏ lo ngại về việc nhà cung cấp sữa “móc nối” với đơn vị tổ chức chương trình để có hợp đồng.
Theo ĐB Tố Trâm, chương trình sữa học đường nếu không được thực hiện một cách cẩn thận thì sẽ gây ra tai tiếng, mất niềm tin trong phụ huynh, học sinh. ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm yêu cầu TPHCM đấu thầu công khai, có cơ chế giám sát chặt chẽ, trong đó có sự tham gia giám sát của báo chí và phụ huynh.
ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm cũng lưu ý, sữa không phải là giải pháp "toàn năng" để nâng cao tầm vóc, thể chất, trí tuệ mà cần phải có sự kết hợp với các giải pháp khác như thể dục thể thao và chương trình học cho các em cần không quá nặng, giúp các em có thời gian vui chơi giải trí.
Chương trình sữa học đường: Tự nguyện hay bắt buộc? ảnh 2 Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân phát biểu ý kiến tại kỳ họp HĐND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Vương Đức Hoàng Quân đề nghị cân nhắc tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp sữa. Theo đó, trong tờ trình nêu sẽ lựa chọn nhà cung cấp sữa là doanh nghiệp đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia. Theo danh mục Thương hiệu Quốc gia gần nhất (năm 2016) thì chỉ có 2 doanh nghiệp sữa nằm trong danh mục này, là Vinamilk (Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam) và TH true milk (Công ty Cổ phần Chuỗi Thực phẩm TH). Do đó, nếu áp dụng tiêu chí này thì thực ra chỉ có… 2 doanh nghiệp trên đáp ứng đủ tiêu chí.

ĐB Vương Đức Hoàng Quân cũng đề nghị làm rõ tỷ lệ chiết khấu của các doanh nghiệp cho các đại lý là bao nhiêu, nhằm xác định tỷ lệ hỗ trợ 20% của nhà sản xuất đối với chương trình đã mang tính “hỗ trợ” đến đâu? Trên cơ sở đó, chương trình có trao đổi với nhà sản xuất về tỷ lệ hỗ trợ phù hợp hơn.
Đặc biệt, ĐB Hoàng Quân cũng đề nghị làm rõ tính tự nguyện hay bắt buộc của học sinh với chương trình. Nếu tự nguyện, thì các cháu không tham gia, có bị gắn với việc đánh giá đạo đức hay thi đua, phong trào hay không?


Trẻ béo phì có phù hợp với sữa học đường?

ĐB Tăng Hữu Phong thống nhất cao về cao mục tiêu, sự cần thiết của chương trình sữa học đường. Song hiện nay, năm học 2018-2019 đã đi gần nửa học kỳ 1 nên thời gian còn lại thực thi đề án rất ngắn. Trong khi đó, chương trình này có sự tác động lớn, áp dụng trên phạm vi rộng, vậy việc triển khai chương trình như thế nào để đảm bảo tính khả thi trong thời gian còn lại?

Về sự đồng thuận của người dân, ĐB Tăng Hữu Phong nhận xét, phụ huynh sẽ chi trả 50% tiền sữa (20% do doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ, 30% so ngân sách TP hỗ trợ), liệu khoản chi phí này có nặng nề, có tác động đến phụ huynh chưa khá giả? Hơn nữa, nhu cầu về dưỡng chất của học sinh khác nhau, nhiều em phù hợp với nhiều loại sữa khác nhau, làm sao chương trình kiểm soát được việc này?

Tán thành chương trình sữa học đường, song ĐB Nguyễn Mạnh Trí cho rằng thời gian thực hiện chương trình trong 2 năm là ngắn bởi việc góp phần đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc là cả quá trình.
Ngược lại với tình trạng suy dinh dưỡng, ĐB Nguyễn Mạnh Trí nhấn mạnh thực trạng TPHCM hiện có nhiều trẻ béo phì. Vì thế, việc cung cấp 1 nguồn sữa giàu dinh dưỡng có khi lại gây bất lợi cho các trẻ béo phì.
ĐB Nguyễn Mạnh Trí gợi ý, cần tính đến sự đa dạng sữa cho phù hợp với sự hấp thụ của từng học sinh.
Chương trình sữa học đường: Tự nguyện hay bắt buộc? ảnh 3 Trưởng ban Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cam kết Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM sẽ phối hợp với Sở Y tế TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM để thực hiện chương trình này. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trưởng ban Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan nhận xét việc thực hiện chương trình sữa học đường là đúng đắn, nhiều quốc gia đã triển khai chương trình này. Bà Phong Lan cũng cam kết Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM sẽ phối hợp với Sở Y tế TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM để thực hiện chương trình này.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn khẳng định trong quá trình xây dựng đề án Sở đã tổ chức lấy ý kiến rất kỹ đối với tất cả các sở - ngành liên quan, với 24 quận - huyện và phụ huynh học sinh, nhà trường. Quy trình đấu thầu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cam kết, thực hiện đúng luật, công khai rộng rãi.

“Quý vị cứ yên tâm”, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn nói.

Ông Lê Hồng Sơn cũng cho biết, đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc, không lấy việc tham gia hay không tham gia để đánh giá học sinh.  

Chương trình sữa học đường: Tự nguyện hay bắt buộc? ảnh 4 Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định, việc tham gia chương trình không ảnh hưởng nhiều đến trẻ béo phì. Ảnh: VIỆT DŨNG
 Trước các ý kiến về tính phù hợp của sữa với sự hấp thụ của trẻ, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay, với những trẻ dị ứng với sữa, các trường hợp này khi đi khám, bác sĩ đã cho chế độ riêng. Còn với đa số trẻ, sữa tươi tiệt trùng sử dụng như nhau, không có sự khác biệt. Riêng với những trẻ béo phì, Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định, việc tham gia chương trình không ảnh hưởng nhiều đến các em, bởi liều lượng chỉ là 180ml/ngày (1 hộp sữa). Và, ngoài dinh dưỡng, chất béo, trong sữa còn nhiều khoáng chất như canxi, sắt… hỗ trợ sự phát triển của trẻ.

Đại điện Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm cho hay, sữa trong chương trình mang tính chất đại trà, hỗ trợ để đạt được các mục tiêu, chứ không phải chỉ bổ sung lượng sữa từng ngày (1 hộp/ngày) là một giải pháp hoàn toàn. Trong quá trình sử dụng sữa, có một số trẻ có cơ địa đặc biệt, có thể xảy ra tác dụng phụ, thì sẽ có cách giải quyết riêng rẽ với các trẻ như vậy. Còn việc sử dụng đại trà, theo bác sĩ Phan Thanh Tâm, là tốt.

Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh về đề án. Trong đó, phát ra 260.695 phiếu, thu về gần 232.000 phiếu, nhận được 84,4% đồng thuận cho trẻ uống sữa tại trường 5 lần/tuần.

UBND TPHCM đề xuất áp dụng cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trong các trường công lập, ngoài công lập và trẻ em tại lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, học sinh sẽ uống sữa 9 tháng/năm học (trừ 3 tháng nghỉ hè). Mỗi học sinh sẽ uống mỗi ngày 1 hộp, mỗi tuần uống 5 lần.

UBND TP đề xuất triển khai chương trình ngay trong năm học 2018-2019, triển khai đối với trẻ em mẫu giáo và thí điểm học sinh tiểu học lớp 1 tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh. Trong năm học 2019-2020 sẽ tiếp tục triển khai đối với trẻ em mẫu giáo, sơ kết rút kinh nghiệm và mở rộng thực hiện đại trà cho học sinh tiểu học lớp 1.

Theo tính toán, tổng kinh phí uống sữa thực hiện đề án chương trình sửa học đường giai đoạn 2018-2020 gần 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng; doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng. Cha mẹ, các học sinh đóng gần 548 tỷ đồng (50% kinh phí mua sữa). Riêng đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TPHCM; học sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường thực hiện đề án thì ngân sách TPHCM sẽ hỗ trợ 50% và doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Tin cùng chuyên mục