Chương trình Ngày xửa ngày xưa 30: Câu chuyện cổ tích mới lạ

Các suất diễn phục vụ khán giả và phụ huynh vào lúc 16 giờ và 20 giờ, từ 20-5 đến 25-6, các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, tại Nhà hát Bến Thành.
Chương trình Ngày xửa ngày xưa 30: Câu chuyện cổ tích mới lạ
Ông bầu Sân khấu kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn vừa thông tin chi tiết về kế hoạch trình diễn chương trình Ngày xửa ngày xưa 30: Hoàng tử - Công chúa và 9 vị thần… bị bắt (ảnh) (tác giả: Minh Phương, đạo diễn: Vũ Minh) với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, Bạch Long, Đình Toàn, Lê Khánh, Hoàng Trinh, Đức Thịnh, Thanh Vân, Tuấn Khải, Don Nguyễn... 

Đây là một câu chuyện cổ tích mới lạ, mang yếu tố giáo dục trẻ thơ song cũng không thiếu sự sinh động, dí dỏm, đầy sắc màu thần tiên huyền ảo. Ngày xửa ngày xưa 30 kể về 5 anh em hoàng tử và công chúa của vùng đất Phong Châu trù phú, con của vua là thần Mặt Trời (Quốc Trung) và hoàng hậu là Thần Mặt Trăng (Hoàng Trinh). Khi các con đủ lớn, biết suy nghĩ, hai vị thần tối thượng đã tạo điều kiện để các con được tiếp cận với cuộc sống bằng cách tiếp xúc với người dân, tự học hỏi, rèn luyện tư chất, lòng can đảm, học cách yêu thương và sẻ chia với người dân... 

Trong câu chuyện còn có sự xuất hiện của các vị thần: Đất, Nước, Gió, Rừng, Núi, Lửa, Bóng đêm… đại diện cho các thế lực thiên nhiên luôn theo sát đời sống của con người, được con người tôn thờ. Tuy nhiên, trong các vị thần duy chỉ có thần Bóng Đêm (NSƯT Thành Lộc) là ít được con người quan tâm. Chính vì vậy, thần Bóng Đêm đã ganh ghét với tất cả những vị thần còn lại, ông lên kế hoạch để bắt tất cả các vị thần, thâu tóm quyền lực về tay mình, hòng cai trị trời đất bao la. Từ đây, 5 anh em hoàng tử và công chúa đã phải vất vả tìm mọi cách để chứng minh cho thần Bóng Đêm thấy làm như thế là sai, ông cần phải thay đổi cách nhìn ích kỷ của mình với mọi người.

Để tạo nên hiệu ứng đặc biệt và sức hấp dẫn cho Ngày xửa ngày xưa 30, đạo diễn Vũ Minh đã thiết kế sân khấu với ba cảnh trí chính: hoàng cung, trong rừng, địa phận của thần Lửa, với các tông màu khác nhau, phù hợp với tông màu của phục trang các nhân vật. Bên cạnh đó, mỗi vị thần được xây dựng theo một phong cách riêng, giúp khán giả nhỏ tuổi cảm nhận được vai trò và trách nhiệm của từng vị thần thiên nhiên trong đời sống con người. Kịch bản còn tạo đất để các diễn viên phô diễn tài năng… Ngày xửa ngày xưa 30 sử dụng 6 bài hát mới của nhạc sĩ Cao Minh Thu. Kinh phí dàn dựng chương trình đến nay vào khoảng 250 triệu đồng.

Đạo diễn Vũ Minh chia sẻ: “Cái khó của Ngày xửa ngày xưa 30 là làm sao tìm được ý tưởng mới, xây dựng được kịch bản hấp dẫn, lôi cuốn, phù hợp tâm lý của con trẻ. Người làm sân khấu thiếu nhi mà không thích, mê và yêu thương trẻ con thì sẽ rất khó làm”.

Tin cùng chuyên mục