Chương trình Một gia đình trợ giúp một gia đình: Dìu nhau qua cơn khó

Ngày 23-8, chương trình “Một gia đình trợ giúp một gia đình” do Báo SGGP phát động đã tiếp tục đến với các hoàn cảnh ngặt nghèo ở khu vực Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh và một số hộ khó khăn khác trên địa bàn quận.

1. Nhờ sự trợ giúp của một người dân, chúng tôi tìm ra căn phòng trọ nhỏ xíu của anh Phan Tấn Tài (ở số 480/67/5D Bình Quới). Biết đại diện chương trình đến tận nơi trao quà hỗ trợ, anh Tài xúc động đến mức luống cuống, nói: “Để tui kêu bà xã ẵm đứa nhỏ ra chào cô chú nha, nó được 6 tháng. Hôm qua, tôi đã vét chút sữa bột cuối cùng pha cho con. Giữa lúc cùng cực này mà được giúp đỡ vầy, thiệt quý lắm!”.

Anh Tài ngoái vào nhà định cất tiếng gọi vợ, nhưng chúng tôi ngăn lại vì muốn giữ an toàn sức khỏe cho bé. Anh kể, cuộc sống ở quê nhà khó khăn, 5 năm trước, từ Đồng Tháp, vợ chồng anh khăn gói lên TPHCM, tìm việc làm để nuôi con. Cha mẹ 2 bên đều già yếu, không thể cậy nhờ, anh chị đành đùm túm cả hai đứa con đi theo, trong đó có một cháu bị bại não. Anh làm công việc phụ hồ công trình, rày đây mai đó, thu nhập ít ỏi chỉ đủ thuê nhà và ăn uống, nên đứa con thứ hai của anh chị dù đã 8 tuổi vẫn không thể đến trường như các bạn cùng trang lứa. Vợ anh sinh con thứ ba trong lúc dịch Covid-19 bắt đầu căng thẳng. TPHCM liên tục áp dụng các biện pháp giãn cách để phòng chống dịch, hai vợ chồng đều thất nghiệp. Chút ít tiền dành dụm cũng cạn dần. Dù được chủ nhà trọ cảm thông, giảm gần một nửa tiền thuê nhà, nhưng mấy tháng trời không có thu nhập, anh chị lo lắng không còn biết dựa vào đâu để sống qua ngày.

2. Nhận điện thoại từ đại diện chương trình, chị Lê Thị Lệ Quân (ở số 558/64/46 Bình Quới) tất tả đi bộ ra tận đầu hẻm chờ đón chúng tôi, vì… “có số nhà đó, nhưng để tụi em tự đi tìm chắc phải mất chừng 30 phút nữa”.

Chị nói: “Em thấy đó, nhà chị còn trồng được vài túm rau, cọng hành, nên nếu có trường hợp nào ngặt hơn, tụi em cứ giúp trước nha, chị chờ sau chút được mà”. Nói thì nói vậy, nhưng nhìn trong ánh mắt chị, nỗi âu lo hiện rõ, khi một mình chị đang chăm lo miếng ăn, giấc ngủ lẫn mọi sinh hoạt cá nhân cho người mẹ đã 92 tuổi, nằm liệt và một chị gái bị bệnh tâm thần phân liệt đã 30 năm nay.

Trước chị Quân túc tắc nhận may gia công tại nhà để vừa làm vừa chăm hai người bệnh, còn có cậu em làm thợ hồ phụ giúp. Dịch giã bùng phát, cả hai chị em thất nghiệp nhìn nhau. Thấy chúng tôi kiên quyết gởi phần hỗ trợ, chị Quân xúc động, mắt rơm rớm, không nói được gì ngoài những câu cảm ơn liên tục.

3. Lê Thanh Phúc (26 tuổi, ở số 88/3 Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh) là trường hợp đầu tiên được giới thiệu sau khi Báo SGGP phát động chương trình “Một gia đình trợ giúp một gia đình”.

Cơn sốt khi Phúc còn nhỏ đã ảnh hưởng đến não, làm em bị tật ở chân và thị giác kém hẳn. Cha mẹ lăn lộn với cuộc mưu sinh riêng, mỗi người một hướng, Phúc ở với bà nội, được bà chăm sóc từ bé. Bà nội Phúc nay đã ngoài 70 tuổi, hàng ngày bán vé số, ráng lo cho đứa cháu thiệt thòi đi học đến lớp 3. Dù không được học tiếp, di chuyển có hơi khó khăn, nhưng với sức vóc thanh niên, Phúc được cô Phạm Thị Sen (tổ trưởng tổ dân phố 21, phường 24) hướng tới các hoạt động của Đoàn Thanh niên. Các anh bảo sao làm vậy, Phúc chẳng nề hà vất vả. Thời gian qua, Phúc cũng tích cực tham gia nhiều công việc ở khu phố.

Với nụ cười hồn nhiên, Phúc nói: “Em mới xin được công việc sắp xếp hàng hóa trong một cửa hàng nhỏ, nhưng làm chưa được bao lâu thì cửa hàng đóng cửa vì giãn cách chống dịch. Em mong sớm hết dịch bệnh để được đi làm tiếp, đặng còn phụ giúp bà nội cái ăn hàng ngày”.

4. Cũng trong ngày 23-8, đại diện chương trình đã đến thăm, trao hỗ trợ cho gia đình anh Lê Văn Còn (260/19 Bình Quới, phường 28) và gia đình ông Lưu Thiệu Khoa (886 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25).

Chương trình Một gia đình trợ giúp một gia đình: Dìu nhau qua cơn khó ảnh 1 Đại diện chương trình “Một gia đình trợ giúp một gia đình”  trao hỗ trợ gia đình anh Lê Văn Còn (phường 28, quận Bình Thạnh)

Đây đều là những hộ khó khăn. Hơn 70 phần hỗ trợ bằng tiền mặt (2 triệu đồng/phần) từ sự ủng hộ của các gia đình hảo tâm đang được Báo SGGP phối hợp cùng chính quyền, tổ dân phố trao tận tay người cần giúp đỡ khẩn cấp. Lòng trắc ẩn, nghĩa cử của một cá nhân, một gia đình sẽ cứu giúp không chỉ một gia đình trong lúc khốn khó. Với sự chung tay của nhiều người, nhiều bộ phận, mọi khó khăn rồi sẽ qua đi, chỉ có tình yêu thương con người luôn hiện hữu.

Với sự đồng hành, ủng hộ của các đơn vị và quý bạn đọc, chương trình “Một gia đình trợ giúp một gia đình” sẽ liên tục đến với những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo, trợ giúp bà con vượt qua những ngày giãn cách chống dịch.

Chương trình xin tiếp nhận đóng góp, ủng hộ của các đơn vị, quý bạn đọc qua tài khoản: Báo Sài Gòn Giải Phóng, 31010000231438 Ngân hàng BIDV, chi nhánh TPHCM. Nội dung: 1 gia đình trợ giúp 1 gia đình. Mọi thông tin xin liên hệ: Ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội, số điện thoại 0909632031.