Chương trình kinh tế ưu tiên của Indonesia

Hướng tới kế hoạch kích thích tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu hoàn thành 15 chương trình ưu tiên trong 6 tháng tới. 

Các chương trình trên bao gồm triển khai chính sách sử dụng bắt buộc 30% diesel sinh học (B30); cải thiện hệ sinh thái việc làm; thúc đẩy các sản phẩm halal; phát triển ngành công nghiệp dược phẩm; chuyển đổi Công ty hóa dầu TPPI thành công ty quốc doanh; cải cách chính sách tín dụng kinh doanh; triển khai chương trình thẻ lao động; phát triển các khu vực Batam, Bintan và Karimun; triển khai chương trình khí hóa than; phát triển trồng trọt hướng tới xuất khẩu; thúc đẩy quan hệ đối tác trong nông nghiệp dựa vào công nghệ; tăng tốc số hóa lĩnh vực tài chính; xây dựng nhà máy lọc dầu xanh; sửa đổi luật lao động, và hoàn tất chương trình công tác giai đoạn 2020-2024.

Theo Bộ trưởng Điều phối kinh tế Airlangga Hartarto, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, Chính phủ Indonesia sẽ triển khai đồng thời các kế hoạch khuyến khích tăng trưởng kinh tế chất lượng, cải thiện bình đẳng kinh tế, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

15 chương trình kinh tế ưu tiên của Indonesia cũng nhằm thực hiện mục tiêu giảm cán cân thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai bằng cách thúc đẩy đầu tư, giảm phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, nhất là các mặt hàng nhiên liệu. Để các chương trình sớm hoàn thành, Tổng thống Widodo đã yêu cầu các thành viên nội các tập trung cải thiện hoạt động giao thương giữa các hòn đảo nhằm ổn định giá cả; triển khai có chọn lọc các dự án chế biến khoáng sản và cải thiện môi trường kinh doanh cũng như hệ sinh thái đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu trọng tâm thu hút đầu tư nước ngoài và nhân tài trên toàn thế giới đến Indonesia với những chính sách ưu tiên đặc biệt. Mới đây, Indonesia vừa thành lập một cơ quan mới với sứ mệnh hỗ trợ các công ty khởi nghiệp nhằm  hỗ trợ, thúc đẩy, lựa chọn, ươm tạo và tài trợ cho các dự án phát triển kinh doanh mới.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nhanh chóng đưa ra kế hoạch thúc đẩy kinh tế mới cho thấy Tổng thống Widodo muốn hiện thực hóa cam kết đưa nước này trở thành 1 trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2045. Sau lễ nhậm chức lần 2, Tổng thống Widodo từng lạc quan cho rằng tiềm năng đưa Indonesia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là rất lớn, do có lực lượng dân số ở độ tuổi lao động cao. 

Lãnh đạo một đất nước có dân số đông đứng hàng thứ tư thế giới, thách thức mà Tổng thống Widodo phải đối mặt là không ít, đặc biệt trong vấn đề kinh tế. Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra mới đây cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Indonesia thậm chí còn xuống dưới mức 5% trong năm nay.

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế trì trệ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Indonesia hiện vẫn chưa cao. Theo giới chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Indonesia thời gian qua chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng là do nước này không thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Do vậy, Chính phủ Indonesia kỳ vọng rằng 15 chương trình ưu tiên kinh tế mới được công bố sẽ sớm hoàn thành trong 6 tháng tới.

Tin cùng chuyên mục