Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Giáo viên được trao quyền chủ động

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 triển khai ở lớp 2, đồng thời là năm thứ hai triển khai đối với lớp 1. Trong bối cảnh năm học chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh đòi hỏi giáo viên phải chủ động chuyển đổi kế hoạch giảng dạy, thay đổi nội dung và phương pháp phù hợp tình hình thực tế.

Đổi mới hướng tiếp cận

Sáng 12-4, tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy học theo Chương trình GDPT 2018 môn Tiếng Việt năm học 2021-2022” do Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, TPHCM tổ chức, bà Trịnh Cam Ly, chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, dù đã có hơn một học kỳ chuyển đổi phương pháp giảng dạy ở lớp 2 nhưng hiện nay các trường tiểu học vẫn còn tình trạng giáo viên không được dạy ngữ liệu khác sách giáo khoa (SGK). Cán bộ này khẳng định, đây là cách làm chưa đúng, vì theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, SGK không phải toàn bộ nội dung dạy học mà giáo viên được trao quyền lựa chọn ngữ liệu phù hợp. Đơn cử, ở phân môn Tập đọc của môn Tiếng Việt, bài đọc giới thiệu trong SGK chỉ là một trong những gợi ý về ngữ liệu dạy học, thầy cô có thể thay thế bằng một văn bản khác phù hợp hơn với khả năng tiếp nhận của học sinh. 

Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Giáo viên được trao quyền chủ động ảnh 1 Học sinh Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TPHCM) trong giờ học thể dục sáng 12-4
Như vậy, so với chương trình cũ, tất cả học sinh cùng độ tuổi sẽ học một văn bản giống nhau thì với Chương trình GDPT 2018, học sinh giữa các trường trong cùng một quận, thậm chí giữa các lớp trong cùng một trường, có thể học những văn bản không giống nhau, chỉ cần đáp ứng mục tiêu cần đạt của chương trình. Giải thích rõ hơn vấn đề này, cô Trần Thị Ly Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lai (quận Tân Phú) dẫn chứng, nhiều bài đọc trong SGK Tiếng Việt lớp 2 của chương trình mới có độ dài văn bản khá lớn, trong khi đó khả năng đọc của từng học sinh không giống nhau. Trước thực tế đó, giáo viên này đã chủ động lựa chọn phương pháp dạy học phân hóa theo hướng cá thể. Học sinh nào có năng lực đọc tốt được yêu cầu đọc thành tiếng cả bài, em nào chưa thuần thục chỉ đọc một số đoạn của văn bản, phát triển dần các kỹ năng và kiến thức theo từng giai đoạn, đáp ứng mục tiêu môn học vào cuối năm. 

Đặc biệt, với yêu cầu học thuộc lòng văn bản, nhiều giáo viên đang dạy lớp 2 cho biết, trước đây phương pháp dạy học cũ yêu cầu học sinh học thuộc văn bản một cách máy móc. Tuy nhiên, khi triển khai Chương trình GDPT 2018, yêu cầu học thuộc lòng thực hiện dựa trên cơ sở học sinh phải hiểu được nội dung văn bản. Do đó, theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, khi gặp vấn đề sai sót ngữ liệu, giáo viên tránh việc đổ lỗi cho tác giả biên soạn SGK mà cần thể hiện vai trò chủ động của mình trong việc lựa chọn ngữ liệu, đảm bảo tính chuẩn xác và phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị.  

Tương tự, ở môn Toán, nhà giáo Khúc Thành Chính, Chủ biên sách SGK Toán lớp 2, bộ sách Chân trời sáng tạo, cho biết, học sinh không tiếp cận các đơn vị đo độ dài, trọng lượng một cách máy móc mà gắn với ý nghĩa vận dụng trong thực tế như đo trọng lượng để biết cân nặng của hành lý khi làm thủ tục lên máy bay, đo độ dài để biết chiều cao khi mua vé vào cổng khu vui chơi… Theo các chuyên gia giáo dục, thay đổi lớn nhất của Chương trình GDPT 2018 là không dạy học theo hướng tiếp cận nội dung (học sinh có kiến thức gì sau bài dạy) mà tiếp cận năng lực, phẩm chất người học (vận dụng gì sau khi kết thúc bài dạy), đòi hỏi sự linh hoạt, chủ động rất lớn của giáo viên.

Xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt

Tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2021-2022 bậc Tiểu học do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức mới đây, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) thông tin, thời gian kết thúc năm học 2021-2022 sẽ được thực hiện linh hoạt giữa các khối lớp. Cụ thể, khối 5 sẽ hoàn thành năm học trước ngày 10-6, các khối còn lại kết thúc năm học vào ngày 30-6. Tuy nhiên, với những trường hợp học sinh gặp khó khăn, chưa đạt yêu cầu đặt ra cuối năm học, trường tiểu học sẽ lập danh sách, xây dựng kế hoạch hỗ trợ cá nhân trên cơ sở kéo dài thời gian kết thúc năm học. Đại diện Phòng Giáo dục tiểu học lưu ý, các trường hạn chế lưu ban đối với các trường hợp học sinh gặp khó khăn về học tập, thay vào đó chủ động triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh hoàn thành yêu cầu cần đạt cuối năm học. 

Theo phản ánh của các đơn vị, năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, công tác dạy học có nhiều xáo trộn. Ở nhiều trường học, xảy ra tình trạng cùng một môn học ở một lớp nhưng do nhiều giáo viên phụ trách, hoặc học sinh học ghép lớp trong thời gian dài, gây ảnh hưởng việc đánh giá kết quả học tập của các em. Hiện nay, kết quả đánh giá học sinh cuối học kỳ 1 (học tập chủ yếu qua hình thức trực tuyến) và giữa học kỳ 2 ở nhiều trường có sự chênh lệch, đặt ra yêu cầu giáo viên phải rà soát, đánh giá lại năng lực, trình độ tiếp thu kiến thức của học sinh. Từ thực tế đó, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu chỉ đạo toàn ngành xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, đảm bảo chất lượng giáo dục ở các khối lớp, tiếp tục duy trì dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, một bộ phận học sinh chưa đến trường do còn đang ở tỉnh, thực hiện cách ly y tế, hoặc phụ huynh chưa an tâm cho con đến trường. Tuy nhiên, từ ngày 12-4, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, học sinh tất cả bậc học đều đến trường, trừ những trường hợp cách ly y tế. Đại diện các trường đều cho biết, khi những học sinh này trở lại trường học, quan tâm lớn nhất của giáo viên là làm thế nào ôn tập, bổ sung kiến thức cho các em, vì học trực tuyến không đạt hiệu quả cao như trực tiếp.

Tin cùng chuyên mục